Hoạt động báo chí trong bối cảnh 'bùng nổ' mạng xã hội

Đề cập tới việc sử dụng cộng hưởng các nền tảng mạng xã hội để thông tin, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ - cho biết, trong thời điểm này những thông điệp quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay lập tức có thể tiếp cận được khoảng 15-17 triệu người dùng mạng xã hội.

Chiều 15/3, tại TPHCM, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024, Diễn đàn Báo chí toàn quốc đã khai mạc và thảo luận các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí cả nước. Diễn đàn có tất cả 12 phiên thảo luận diễn ra xuyên suốt trong hai ngày 15-16/3.

Tận dụng các nền tảng mạng xã hội trong hoạt động nghiệp vụ

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và truyền thông chính sách, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ - cho biết đơn vị sử dụng cộng hưởng các nền tảng mạng xã hội (MXH) để đưa thông điệp nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm, trọng điểm đến với người dân, đến với bạn đọc.

Ông Sâm cho biết, trong thời điểm này, những thông điệp quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay lập tức có thể tiếp cận được khoảng 15-17 triệu người dùng MXH.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới tham quan gian hàng báo Tiền Phong.

Ngoài ra, cơ quan báo chí chủ lực này cũng sử dụng MXH trong truyền thông chính sách. “Chẳng hạn, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, khi đưa lên nền tảng MXH thì có hơn 5.000 góp ý, có những luật sư chia sẻ rất tâm huyết đến hơn 40 trang xung quanh luật này. Hay như việc người dân vùng ngập lụt đã lên fanpage kêu cứu và ngay lập tức đơn vị đã liên hệ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để kịp thời ứng cứu”, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ.

Nhà báo Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng - cho rằng, để nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, việc đầu tiên cần quan tâm là nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đội ngũ này cần nhận thức được tinh thần, trách nhiệm, vai trò chính trị của cơ quan mình; đồng thời cũng cần hiểu biết nội dung sẽ tuyên truyền. Mặt khác, các phóng viên, biên tập viên phải bám sát chỉ đạo, diễn biến thời sự hằng ngày của cả nước và của địa bàn công tác.

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm trao đổi tại phiên chủ đề "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí". Ảnh: Ngô Tùng.

Làm sao để nhà báo sống được với nghề?

Chia sẻ tại phiên thảo luận Xây dựng môi trường văn hóa báo chí, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật - chỉ ra thực tế trong những năm gần đây, báo chí đang ngày càng thay đổi, kéo theo đó những người làm báo và sản phẩm báo chí cũng thay đổi.

“Báo chí hiện nay không chỉ là sản phẩm văn hóa đơn thuần mà còn mang tính thị trường, giải trí. Nếu như ngày trước báo chí tập trung vào chữ nghĩa thì hiện nay đội ngũ làm báo cũng tập trung làm truyền thông, kinh tế báo chí để mang lại doanh thu”, ông Thanh nêu và khẳng định việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí là cần thiết nhằm tránh tình trạng các cơ quan báo chí, những người làm báo chỉ tập trung làm kinh tế mà quên đi việc thực hiện các sản phẩm báo chí văn hóa.

Các nhà báo giàu kinh nghiệm thảo luận bàn tròn một số kinh nghiệm, hoạt động nghiệp vụ báo chí hiện nay.

Trước câu hỏi về mối quan hệ giữa xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế báo chí, nhà báo Phạm Thanh Phong - Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng, báo Nhân Dân - cho rằng việc kinh tế báo chí suy yếu sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển văn hóa báo chí.

“Những cơ quan báo chí có kinh tế khó khăn sẽ đổ gánh nặng lên vai người làm báo” - bà Phong nêu thực tế và đề xuất cơ quan quản lý báo chí phải tạo được cơ chế để người làm báo sống được bằng nghề. Từ đó, tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa trong hoạt động báo chí.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ trong diễn đàn.

Để phát triển môi trường văn hóa trong một cơ quan báo chí, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng trước tiên, người đứng đầu trong cơ quan báo chí phải gương mẫu đi đầu. “Ở một cơ quan báo chí mà người đứng đầu tử tế, hào hiệp, chuẩn mực trong cư xử sẽ tạo nên một môi trường làm việc có văn hóa. Lề lối, kỷ cương, sự tử tế phải được thực hiện. Việc này cũng rất đúng với đường lối của Đảng” - ông Lợi khẳng định.

Theo ông Lợi, nếu việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí được thực hiện xuyên suốt trong từng phóng viên, từng tòa soạn thì việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí không chỉ dừng lại ở việc hô hào.

Nhàn Lê - Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoat-dong-bao-chi-trong-boi-canh-bung-no-mang-xa-hoi-post1620583.tpo