Hoàng Su Phì triển khai hiệu quả các chương trình nông nghiệp trọng tâm
BHG - Thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện Hoàng Su Phì chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm và đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Cụ thể hóa các Nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh, năm 2022, huyện Hoàng Su Phì ban hành 17 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện. Tăng cường các biện pháp đầu tư thâm canh, xen canh, gối vụ, gieo trồng đảm bảo khung thời vụ, phòng chống sâu bệnh hại trên cây trồng và chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét, an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chương trình cải tạo vườn tạp, đến nay toàn huyện có 192 hộ tham gia, với diện tích cải tạo 97.536 m2. Trong đó, có 122 hộ thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58 HĐND tỉnh. Thực hiện giải ngân cho các hộ với tổng kinh phí 3.480 triệu đồng. Các cơ quan, đơn vị huyện, xã giúp các gia đình thực hiện cải tạo vườn được 1.884 ngày công. Huy động nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để mua cây, con giống, vật tư cho các hộ lũy kế được 142,2 triệu đồng. Qua đánh giá chất lượng vườn được cải tạo theo 4 tiêu chí đối với 122 hộ thực hiện năm 2022 có 89 hộ đạt, 25 hộ tốt và 8 hộ chưa đạt. Bình quân các hộ có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí đầu tư và không tính công lao động.
Thực hiện Nghị quyết về phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, năm 2022, huyện tập trung phát triển sản phẩm chè Shan tuyết, gạo chất lượng cao, cá Chép ruộng và mận Máu. Hiện, huyện đang triển khai khảo sát xây dựng chuỗi giá trị chè Shan tuyết cổ thụ tại 6 xã với tổng kinh phí dự kiến 2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trồng, chăm sóc nương chè cổ thụ, xây dựng vườn ươm chè giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bao bì nhãn mác, công nghệ, thiết bị sản xuất, chế biến chè. Xây dựng chuỗi giá trị mận Máu tại 5 xã với tổng kinh phí dự kiến 1,8 tỷ đồng. Đối với sản phẩm lúa gạo đặc sản, huyện khuyến khích nhân dân nhân rộng mô hình lúa Nếp cái địa phương và gạo Già dui gắn với nuôi cá Chép ruộng, nuôi cá lồng trên lòng thủy điện Sông Chảy 3, chủ động xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho người dân.
Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP của địa phương theo hướng mở rộng về quy mô, diện tích, đảm bảo khả năng cung ứng thường xuyên, ổn định. Ngành Nông nghiệp huyện chủ động tham mưu cho huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm chế biến từ chăn nuôi, thực phẩm và du lịch. Rà soát các sản phẩm được công nhận năm 2019 để hoàn thiện thủ tục hồ sơ đánh giá công nhận lại vào năm 2022. Huyện đang duy trì 21 sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia).
Đặc biệt, công tác chuyển giao KHKT được huyện quan tâm đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp thực hiện dự án thí điểm gieo trồng giống ngô tẻ vàng tại xã Thàng Tín với diện tích 2.000 m2, năng suất cao hơn so với giống ngô nếp địa phương 2,75 tạ/ha. Phối hợp với Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng thực hiện mô hình trồng hoa Hồng tại xã Thàng Tín, diện tích 1.000 m2, cấp phát 5.000 cây giống, bước đầu cho thu hoạch trên 1.000 bông, giá bán 3.000-4.000 đồng/bông, giá trị thu lứa đầu 3,5 triệu đồng. Phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang theo dõi mô hình trồng cây Sa nhân tím tại xã Chiến Phố, diện tích 9 ha. Qua đánh giá, tỷ lệ cây sống đạt trên 80%, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau thời gian thực hiện thí điểm, huyện sẽ phối hợp tiến hành chuyển giao KHKT cho nhân dân đối với những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể khẳng định, việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng vào những cây, con mũi nhọn của địa phương là hướng đi đúng đắn, phù hợp, từ đó góp phần đưa nền kinh tế của địa phương tăng trưởng theo hướng bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có.