Hoàn thiện chính sách theo hướng linh hoạt, thích ứng, hội nhập

Theo TS. BÙI SỸ LỢI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc tổ chức diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 ngay trước thềm Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV cho thấy một Quốc hội rất nhạy bén, luôn lắng nghe hơi thở cuộc sống. Thông tin đầu vào của các diễn giả, các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn là tư liệu quý để Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, nghiên cứu khi thực hiện chức năng giám sát, lập pháp, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng linh hoạt, thích ứng và hội nhập.

Kinh tế - xã hội song hành, thúc đẩy nhau cùng phát triển

- Thưa ông, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm. Trực tiếp tham dự và trao đổi nhiều ý kiến tại Diễn đàn, ông có cảm nhận như thế nào?

- Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 ngay từ tên gọi đã thể hiện đây không phải là diễn đàn kinh tế đơn thuần mà là diễn đàn kinh tế gắn với xã hội. Kinh tế - xã hội phải song hành cùng nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, đây cũng chính là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.

Chủ đề của Diễn đàn là “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã bao quát toàn diện các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau hai năm đại dịch Covid-19, nước ta đã và vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Diễn đàn một lần nữa cho thấy quyết tâm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đất nước; gắn kết các chính sách vĩ mô với chính sách vi mô và đánh giá sự tác động của chính sách đến đời sống của nhân dân. Sự song hành của chính sách kinh tế - xã hội thể hiện rất rõ, chính sách xã hội đúng đắn, đạt mục tiêu sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, ngược lại, kinh tế phát triển mới tạo cơ hội và điều kiện để phát triển xã hội.

- Theo ông, thời điểm hiện nay, khi chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 thì vấn đề cấp bách cần giải quyết là gì?

- Vấn đề cấp bách nhất hiện nay, theo tôi là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng với quy mô 40 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% đang rất được doanh nghiệp mong chờ, đây là “mồi” cho phát triển kinh tế. Đặc biệt như các đại biểu đánh giá và nhận định, sau đại dịch Covid-19, chúng ta phải thấy được điểm nghẽn nằm ở đâu, đó chính là sự đứt gãy của thị trường lao động, có tác động trực tiếp đến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.

Đại dịch Covid-19 là một “phép thử” cho thị trường lao động nước ta, nhưng cũng là cơ hội để nhìn lại hệ thống pháp luật và phương thức điều hành của đất nước. Đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ; thể hiện khả năng thích ứng và xử lý rủi ro của chúng ta còn chậm, hiệu quả chưa cao và độ bao phủ thấp. Hậu đại dịch cho thấy tích lũy thu nhập của người lao động là rất thấp, không có việc làm, lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật nước ta còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt dẫn đến khả năng xử lý các tình huống bất trắc còn chậm, phải chờ xin ý kiến hoặc phải chờ sửa chính sách, pháp luật. Đơn cử như, triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ - CP ngày 24.9.2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, lẽ ra khi xảy ra bất trắc, Chính phủ có thể điều hành được ngay, nhưng chúng ta vẫn phải chờ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Quốc hội rất nhạy bén, luôn lắng nghe hơi thở cuộc sống

- Ông mong chờ gì sau Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022?

- Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách sâu sắc, đúng và trúng thực tiễn triển khai các chính sách kinh tế - xã hội, từ đó góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách theo xu hướng linh hoạt, thích ứng, hội nhập và phát triển.

Các vấn đề xã hội được đề cập tại Diễn đàn không phải chỉ riêng thị trường lao động, nhưng rõ ràng, để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững thì phát triển thị trường lao động phải gắn với chính sách an sinh xã hội, chính sách vì con người. Đó chính là động lực để phát triển nguồn nhân lực. Phải chú trọng giải quyết cho được câu chuyện chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đáp ứng yêu cầu. Ước tính, chỉ có 26,1% lao động nước ta qua đào tạo. Thời gian tới, cần phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đưa thị trường lao động chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế.

- Ông đánh giá thế nào về tác động của Diễn đàn đối với hoạt động của Quốc hội?

- Diễn ra ngay trước thềm Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy một Quốc hội rất nhạy bén, luôn lắng nghe hơi thở cuộc sống. Thông tin đầu vào của các diễn giả, các bài phát biểu là tư liệu quý để Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, nghiên cứu khi thực hiện chức năng giám sát, lập pháp, điều chỉnh chính sách, điều chỉnh quá trình triển khai tổ chức thực hiện ở cơ sở. Từng là đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ, tôi cho rằng, việc tổ chức Diễn đàn thường niên như vậy trong hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi ở đó, chúng ta không chỉ trao đổi các vấn đề mang tính thực tiễn, phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống mà còn trao đổi các kinh nghiệm quốc tế, các vấn đề về lý luận, khoa học. Nói cách khác, thông tin tại Diễn đàn góp phần làm cho các quyết sách của Quốc hội được soi chiếu đa chiều hơn, kết hợp giữa khoa học, lý luận và thực tiễn, giữa kinh nghiệm quốc tế và tình hình cụ thể của nước ta, từ đó, sẽ làm cho quyết sách của Quốc hội khả thi hơn, hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn): Cần giải pháp mạnh mẽ hơn giúp người lao động an cư

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 rất hay, rất hiệu quả. Diễn đàn là nơi để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các nhà hoạt động thực tiễn gặp gỡ, trao đổi, nhất là trao đổi về những khó khăn, vướng mắc hiện nay để trên cơ sở đó tìm các biện pháp tháo gỡ, cả về mặt thể chế và thực thi.

Qua trao đổi cũng như tìm hiểu các thông tin, tôi thấy sau khi chúng ta kiểm soát được đại dịch và bước vào giai đoạn phục hồi thì hiện nay, kinh tế đang phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao. Điều tôi quan tâm là doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến vấn đề phải bảo đảm nguồn cung lao động. Bởi khi đại dịch xảy ra có nhiều lao động trở về địa phương, quê hương của họ gây ra tình trạng thiếu lao động cục bộ tại những nơi tập trung khu công nghiệp lớn, vấn đề về cung ứng nguồn lao động, bảo đảm chất lượng nguồn lao động tại các khu công nghiệp trọng điểm cần hết sức quan tâm, có những định hướng chính sách phù hợp để giải quyết trong thời gian tới.

Phục hồi kinh tế cũng sẽ kéo theo vấn đề về thị trường lao động, các cơ quan của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa qua đã có nhiều giải pháp để bảo đảm ngoài các chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm tải khó khăn cho người sử dụng lao động để họ có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất để quay trở lại thu hút người lao động thì có thêm các chính sách như tăng cường đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Vì qua đại dịch sẽ xuất hiện nhiều công việc ở những lĩnh vực mới, đòi hỏi những kỹ năng mới của người lao động. Như vậy, người lao động cần tiếp tục được đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đó là cách tốt nhất để chúng ta nâng cao chất lượng, kỹ năng, số lượng người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế sau đại dịch.

Một trong những lý do người lao động hồi hương trong đại dịch vì an sinh xã hội chưa được bảo đảm, trong đó bao gồm cả vấn đề nhà ở. Chính sách về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho người lao động nói riêng đã được đề cập rất nhiều trên diễn đàn Quốc hội thời gian qua. Tôi cũng như các đại biểu khác đều hy vọng Chính phủ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để những người lao động sớm được an cư và lập nghiệp.

Minh Trang ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/hoan-thien-chinh-sach-theo-huong-linh-hoat-thich-ung-hoi-nhap-i301184/