Hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều tăng 2 chương, 32 điều và so với Luật Thủ đô năm 2012. Nội dung dự thảo Luật bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thủ đô của cả nước.
Ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)...
Về hệ thống giao thông vận tải, theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội cần phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.
Cần ưu tiên chính sách phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Nguồn: ITN
PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn cho thành phố Hà Nội trong việc quản lý, bảo trì các tuyến đường quốc lộ, vành đai, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc đô thị nằm trên địa bàn Hà Nội; phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô, khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông và chính sách ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)...
Góp ý vào Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi), về tên của Điều 34, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương đề xuất, nên giữ tên cũ là Phát triển, quản lý hạ tầng giao thông vận tải, vì nội dung bên trong vẫn còn hoạt động vận tải. Tại Mục 2, Điều 34 đề xuất xét bổ sung thêm việc quy định để thành phố Hà Nội tổ chức quản lý, bảo trì các những hệ thống giao thông vận tải phi đường bộ qua địa bàn như đường thủy nội địa; đường sắt tốc độ cao; các đường sắt vùng.
Tại khoản d) Mục 1, Điều 39 về Cơ chế thu hút đầu tư xã hội và cơ chế thực hiện đầu tư, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương đề nghị: việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế cao hơn hoặc bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam được áp dụng cho toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông vận tải; bao gồm ngoài đường sắt đô thị là hệ thống đường đô thị (đường bộ), đường hàng không, đường thủy nội địa. Bên cạnh Quy chuẩn tiêu chuẩn, cần cho phép việc xây dựng định mức xây dựng riêng cho Hà Nội để khuyến khích sáng tạo trong xây dựng, phát triển đô thị và phù hợp với điều kiện sống, làm việc tại Hà Nội. Cùng với đó, cần xem xét bổ sung nội dung liên quan đến không gian cho người đi xe đạp, đi bộ, không gian cho giao thông tĩnh, lối tiếp cận cho người khuyết tật.
Nên hình thành Quỹ đặc biệt cho giao thông công cộng
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, để triển khai được các định hướng lớn về giao thông vận tải, Hà Nội cần giảm khối lượng giao thông tại khu vực nội thành, trong đó hình thành các đô thị vệ tinh và dịch chuyển một phần các đơn vị, cơ quan, công ty, xí nghiệp khỏi nội thành; quy hoạch xây dựng theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để định hình, phân phối lại một cách hợp lý luồng giao thông trong đô thị.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải trong đô thị trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, Bus, BRT; giảm phương tiện cá nhân; thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải. Trong đó cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, tổ chức giao thông hiệu quả trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Hà Nội; tổ chức tốt vận tải hành khách và hàng hóa trong đô thị, quy hoạch và định hình các trung tâm Logistics lớn cho thủ đô để thay thế hệ thống logistics tự phát bằng phương tiện cá nhân đang phổ biến ở Hà Nội hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương cũng kiến nghị, cần có hành lang pháp lý để hình thành một Quỹ đặc biệt cho giao thông công cộng của TP. Hà Nội để tập trung các nguồn lực tài chính từ xã hội vào Quỹ này và tạo ra được nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển chính sách giao thông và tài trợ cho việc vận hành hệ thống giao thông công cộng cho thành phố.
“Theo kinh nghiệm của các siêu đô thị tại châu Á (Seoul, Tokyo), nguồn thu từ quỹ này hình thành từ một phần nhỏ trong thuế nhiên liệu, thuế ô tô và nguồn thu từ phí gây tắc nghẽn giao thông; ở thủ đô Hà Nội, việc thu phí còn có thể áp dụng cho việc thu phí vận tải của các phương tiện siêu trường, siêu trọng cần cấp phép đặc biệt khi lưu thông trong đô thị. Sự vận hành của quỹ này có thể được chấm dứt sau khi vấn nạn về tắc đường, ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông đã được giải quyết. Nội dung này nên được bổ sung vào Điều 37. Huy động nguồn lực tài chính ngân sách cho phát triển thủ đô”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương kiến nghị.