Họa sĩ Việt kiều với niềm đam mê vẽ Bác Hồ

Bằng niềm đam mê và sự kính trọng vô ngần với Bác, họa sĩ Đào Trọng Lý, Việt kiều Thái Lan, đã có một bộ tranh phong phú của những nét vẽ dung dị với cả tấm lòng dành cho Người.

Một số bức tranh của họa sĩ Đào Trọng Lý. (Ảnh: NVCC)

Một số bức tranh của họa sĩ Đào Trọng Lý. (Ảnh: NVCC)

Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng một triển lãm đặc biệt với 55 tác phẩm về Bác Hồ do họa sĩ Đào Trọng Lý sáng tác.

Không chỉ thể hiện tấm lòng của một Việt kiều hướng về quê hương, triển lãm còn khẳng định cuộc đời, tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch luôn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, dù trong nước hay sinh sống ở nước ngoài.

Tình cảm của kiều bào Thái Lan

Họa sĩ Đào Trọng Lý quê gốc ở huyện Quốc Oai, Hà Nội, sinh ra trong một gia đình Việt kiều yêu nước tại tỉnh Nakhon Phanom. Cha ông được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Bản thân ông tham gia hoạt động cách mạng và được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì.

Ông Lý từng là Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom và được biết đến là thầy giáo dạy tiếng Việt với rất nhiều tâm huyết cho con em kiều bào trên đất Thái. Ông cũng là một kiều bào rất tích cực trong vai trò cố vấn nội dung xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nachok (Bản Mạy), tỉnh Nakhon Phanom.

Khu tưởng niệm khánh thành đúng dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người (19/5/2016) tại Làng hữu nghị Thái - Việt. Đây là nơi Bác Hồ (với bí danh Thầu Chín) đã sống và hoạt động vào những năm 1928-1930, khoảng thời gian dài nhất khi Người dừng chân ở Thái Lan.

Tại mảnh đất này, Bác Hồ xây dựng phong trào của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Bản Mạy còn lưu giữ những hiện vật, dấu tích, những gốc cây do chính tay Bác trồng cùng những ký ức, hình ảnh đẹp bình dị. Dù khoảng 95% hộ dân gốc Việt sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng bà con vẫn nói tiếng mẹ đẻ và các hoạt động văn hóa vẫn giữ truyền thống người Việt.

Từ khi thành lập, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi du khách và bà con kiều bào đến thắp hương tưởng nhớ Người, mà còn là một địa chỉ văn hóa - du lịch - lịch sử mang ý nghĩa to lớn, biểu tượng cho mối quan hệ lâu đời và tình bạn bè hữu nghị giữa hai nước.

Vào năm 2018, khi chuyển sang làm quản lý cho khu tưởng niệm này, ông Đào Trọng Lý và các thành viên trong Hội Thái - Việt tại Nakhon Phanom thường xuyên phân công điều hành và tìm cách gây quỹ để duy trì các hoạt động ở đây.

Đặc biệt, xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với quê hương, đất nước, ông ấp ủ ý tưởng thực hiện một phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh để người dân trong nước sang Thái Lan và kiều bào ở Thái Lan đến tham quan, tìm hiểu.

Với ý tưởng thiết thực này, ông Lý sưu tầm được rất nhiều ảnh về Bác Hồ. Trong quá trình sưu tầm, nhận thấy có những bức ảnh đen trắng, không còn được rõ nét, ông bắt tay vẽ lại các bức ảnh quý này.

Ban đầu, ông chỉ dự định vẽ khoảng 20 bức tranh để treo trong phòng trưng bày. Thế nhưng, từ bức vẽ đầu tiên, ông càng đam mê vẽ Bác, cho đến nay đã có tới trên 150 bức tranh bằng các chất liệu như sơn dầu, màu nước…

Trong tranh của ông, cuộc đời hoạt động của Bác Hồ được thể hiện qua nhiều giai đoạn, từ những ngày đầu Người ra đi tìm đường cứu nước, cho đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Dù ở giai đoạn nào, Người vẫn luôn là vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng bình dị, chan hòa tình yêu thương dành cho người dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới.

Đặc biệt, xem tranh của ông có thể nhận thấy rõ được tinh thần yêu nước, tấm lòng thành kính của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan, cộng đồng Việt kiều tỉnh Nakhon Phanom nói riêng dành cho Người.

Một số bức tranh của họa sĩ Đào Trọng Lý. (Ảnh: NVCC)

Một số bức tranh của họa sĩ Đào Trọng Lý. (Ảnh: NVCC)

Tấm lòng của một họa sĩ nghiệp dư

Họa sĩ Đào Trọng Lý cho biết dù bản thân có năng khiếu và đam mê vẽ từ nhỏ nhưng ông lại chưa từng học qua một trường, lớp hội họa chuyên nghiệp nào.

Bởi vậy, ông đã vẽ Bác Hồ theo tâm thức của mình và dựa một phần vào những tư liệu, hình ảnh tìm kiếm được. Ngoài ra, ông còn đọc thêm rất nhiều sách về lịch sử Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, tìm hiểu kỹ về trang phục của Bác và đồng bào các dân tộc…

Ông chia sẻ: “Càng nghiên cứu và càng vẽ Bác Hồ, tôi càng thấy Bác vĩ đại. Cả một đời vì nhân dân, vì đất nước, nhưng Người vô cùng gần gũi.

Tôi hiểu vì sao ông Sookprida Phanomyong - một nhà hoạt động xã hội Thái Lan có công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã gọi Bác là “vị thánh sống”. Vì ở Bác toát lên vẻ đẹp giản dị nhưng rất cao sang, đặc biệt là đôi mắt rất sáng. Tôi xúc động nhất là khi vẽ Bác với các em thiếu nhi”.

Điều ông Lý luôn trăn trở mỗi khi đặt bút vẽ là làm sao khắc họa được thần thái của Người, chuyển tải tấm lòng và tình cảm của nhân dân đối với Bác. Mỗi tác phẩm của ông dù trên chất liệu hay sắc màu nào vẫn hiện lên chân thật, sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong số 55 tác phẩm trưng bày tại triển lãm ở Hà Nội lần này, có nhiều tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông vẽ kỳ công như Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp và khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2/9/1945; Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc tại Bắc Bộ Phủ và đi thăm nước Pháp năm 1946; Bác làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc năm 1950; Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Điện Kremlin, Thủ đô Moscow, Liên Xô, năm 1957…

Họa sĩ Đào Trọng Lý cùng khách tham quan triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Hà Anh)

Họa sĩ Đào Trọng Lý cùng khách tham quan triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Hà Anh)

Bên cạnh đó là những cảnh sinh hoạt đời thường, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng; hay khi Bác sửa soạn yên cương lên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950; Bác trên đường đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Chiến khu Việt Bắc; tập võ cùng các chiến sĩ ở Chiến khu Việt Bắc; tham gia kéo lưới cùng ngư dân; thăm nông dân đang thu hoạch lúa…

Đặc biệt, nhiều tác phẩm của họa sĩ Đào Trọng Lý thể hiện tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu niên nhi đồng như hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái đỡ đầu Elizabeth, bên cạnh là bà Lucie Aubrac – một người bạn Pháp thân thiết; hình ảnh Bác tự tay bón xôi cho cháu gái Minh Thu vào tháng 2/1951, trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ II; hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bế cháu Nguyễn Minh Phương - con gái ông Nguyễn Trọng Vĩnh, khi Người về thăm nhà trẻ quân đội ngày 19/5/1953…

Với một kho tranh về Bác Hồ phong phú như vậy, nhưng Đào Trọng Lý cho biết ông mới chỉ họa được khoảng 1% trong tổng số ảnh có giá trị mà ông đã sưu tập được. Cùng với những bức tranh đang được trưng bày tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tác phẩm đã được ông trao tặng các cơ quan, tổ chức đoàn thể ở trong nước và nước ngoài.

Ông Đào Trọng Lý hiện là Trưởng Ban cố vấn của Tổng hội Việt kiều tại Thái Lan – mái nhà chung của một cộng đồng người Việt đang phát triển lớn mạnh và luôn hướng về đất nước. Sau cuộc triển lãm này, ông chính thức trao toàn bộ số tranh trưng bày của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, như một món quà đặc biệt mà ông dành tặng cho quê hương Việt Nam.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-si-viet-kieu-voi-niem-dam-me-ve-bac-ho-272366.html