Hòa mình vào không khí vui tươi ngày khai giảng
Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 đồng loạt diễn ra trên cả nước vào sáng 5/9. Các chuyên gia cho rằng, ngày khai giảng nên chú trọng phần hội, giảm thiểu các nghi lễ cồng kềnh, hình thức. Việc tổ chức diễn tập khai giảng là không cần thiết.
Không cần tập dượt
Sau 2 ngày đưa đón con đi tập khai giảng, chị Nguyễn Thị Thúy – phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định xin nghỉ tập trong buổi tổng duyệt. Chị Thúy chia sẻ: 8 giờ sáng đưa con đi tập khai giảng, 10 giờ đón con về. Với khung giờ này, không phải ai cũng thu xếp được. Thứ nữa, với thời tiết nắng nóng, việc tập khai giảng đã tạo tâm lý không tốt, thậm chí là áp lực với phụ huynh và học sinh.
“Tôi thấy việc tập dượt khai giảng là không cần thiết, vô hình trung trở nên hình thức” – chị Thúy nêu quan điểm, đồng thời cho hay: Thời trước không có khái niệm “tập khai giảng” mà vẫn để lại ấn tượng khó phai.
Đúng 7 giờ sáng ngày 5/9, chị Thúy và các bạn nô nức đến trường để tham dự khai giảng năm học mới. “Ngày đó, chúng tôi được tham gia các trò chơi dân gian, được phép mất trật tự, ngó trái, nghiêng phải khi xếp hàng; thậm chí chúng tôi còn “túm năm, tụm ba” để nói chuyện phiếm” – chị Thúy bày tỏ.
Ủng hộ phương án tổ chức khai giảng ngắn gọn, ông Nguyễn Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - cho rằng, ngày khai giảng phải thực sự là ngày hội của toàn dân đưa trẻ đến trường, trong đó học sinh là nhân vật trung tâm. Vì thế, việc tổ chức diễn tập khai giảng là không cần thiết. Ngày khai giảng càng tự nhiên càng tốt. Nếu nặng về nghi thức sẽ làm mất đi vẻ hồn nhiên của học trò.
“Tất nhiên, mọi hoạt động của học sinh vẫn được giáo viên, nhà trường quan sát và giám sát từ xa để không em nào “vượt rào” – ông Tứ trao đổi, đồng thời cho rằng: Bài phát biểu khai giảng không nên quá dài. Nội dung nên gửi đến học sinh, thầy, cô giáo và phụ huynh thông điệp giáo dục của nhà trường trong năm học mới, thậm chí bài phát biểu càng dí dỏm, trẻ trung gần với học sinh càng tốt.
Cho rằng, vẫn còn nhiều trường nặng nề về hình thức trong ngày khai giảng, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - nhìn nhận: Đây là lý do vì sao một số trường yêu cầu học sinh tập dượt khai giảng. Việc các trường chuẩn bị chu đáo, cẩn thận là tốt nhưng không nên quá nặng về hình thức, dễ khiến học sinh nhàm chán, phụ huynh áp lực. Nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, việc tập đi tập lại nội dung chương trình của ngày khai giảng là không nên.
Thực sự là ngày hội
“Cũng có thể thông cảm cho các trường, vì họ muốn ngày khai giảng diễn ra “tròn trịa”, hoành tráng, nhất là với những trường có quan hệ rộng và mời nhiều khách. Song cũng không nên quá cầu toàn, vì đã là ngày hội thì được phép “dung sai”, học sinh phải được nô đùa, chạy nhảy” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ: Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh, ngày khai giảng diễn ra trong thời tiết nắng nóng, các em phải tập trung ở sân trường để nghe những bài diễn văn dài đến hàng chục phút thì không thể vui nổi.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, khai giảng phải là ngày hội của học sinh. Các em phải là nhân vật trung tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc các trò chơi, cuộc thi dành cho học sinh. Có như vậy, ngày khai giảng mới thật sự vui vẻ, ý nghĩa, tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi và giúp học sinh có tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới.
Từng lên tiếng phản đối những nghi lễ rườm rà và bài phát biểu dài dòng trong ngày khai giảng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - đặt vấn đề: Ngày khai giảng chẳng có gì mà phải tập trước? Khai giảng là ngày hội của học sinh. Đã là ngày hội thì không nhất thiết phải khuôn mẫu, cứng nhắc. Điều quan trọng là cần tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho thầy – trò.
Nhớ lại, năm 1996 Bộ GD&ĐT phối hợp với UNICEF khởi xướng ngày khai giảng là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, ngày khai giảng của năm học 1996 - 1997 được cả xã hội hân hoan chào đón. Trên khắp nẻo đường từ nông thôn cho đến thành thị, phụ huynh nô nức đưa trẻ đến trường.
“Năm học đó, tôi tham dự khai giảng của một trường thuộc huyện Yên Lạc (Hòa Bình). Một không khí vui tươi, chộn rộn chưa từng có, phụ huynh hồ hởi dẫn con đến trường và cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian thầy – trò.
Chúng tôi đến dự nhưng không phát biểu theo hình thức nghi lễ, thay vào đó là những trao đổi, trò chuyện thân mật và truyền cảm hứng cho thầy – trò để cùng quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhớ lại và mong rằng, ngày khai giảng năm học 2022 – 2023 sẽ được tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, các trường học đã có sự thay đổi trong cách tổ chức khai giảng. Lãnh đạo đến dự không phải để phát biểu, mà là chứng kiến và hòa mình vào không khí vui tươi của thầy – trò. Đây là một sự thay đổi lớn nhằm hướng đến học sinh.