Hoa hậu… khóc
Khóc cười theo… văn mẫu, đi đứng theo… đường ray, thanh xuân của hoa hậu không giống với thanh xuân của một cô gái bình thường. Guồng quay của ngành công nghiệp giải trí đã khiến người đội vương miện, người nắm quyền trượng phải gánh chịu những áp lực khủng khiếp.
Năm 2020, khi nắm trên tay quyền trượng hoa hậu Việt Nam, Đỗ Thị Hà đã khóc. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của cô gái tuổi 20 trong giây phút trở thành “đệ nhất nhan sắc” nước Việt.
Hai năm sau, khi sải những bước chân cuối cùng trên sân khấu hoa hậu Việt Nam 2022 để trao vương miện cho một người mới, Hà cũng khóc. Nhưng lần này, giọt nước mắt của hoa hậu Việt Nam 2020 đã đổi chiều. Đó không chỉ là giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc mà còn là giọt nước mắt “giải thoát” sau 2 năm gánh trên vai quá nhiều áp lực và thị phi.
Chính Đỗ Thị Hà, trong phần phát biểu đẫm nước mắt chia tay vương miện đêm 23/12 đã cảm ơn cả những lời chê bai, miệt thị đã giúp cho Hà mạnh mẽ hơn để gánh vác sứ mệnh của một hoa hậu.
Hoa hậu, nói một cách công bằng, từ lâu đã không còn là một cuộc thi chỉ với ý nghĩa tôn vinh nhan sắc phụ nữ Việt. Đó chính xác là một Gameshow đình đám của làng giải trí. Cô gái nắm trong tay quyền trượng sẽ phải chuẩn bị một kịch bản “thanh xuân” trong 2 năm đăng quang. Khóc cười theo… văn mẫu, đi đứng theo… đường ray, thanh xuân của hoa hậu không giống với thanh xuân của một cô gái bình thường. Guồng quay của ngành công nghiệp giải trí đã khiến người đội vương miện, người nắm quyền trượng phải gánh chịu những áp lực khủng khiếp.
Cho dù thi hoa hậu, nhan sắc phải là tiêu chí quan trọng nhất nhưng người ta muốn hoa hậu cũng phải giỏi, cũng phải có trái tim nhân ái. Hoa hậu phải là người đẹp không tỳ vết, phải là một định nghĩa về sự hoàn hảo.
Chỉ cần một chấm đen trong quá khứ ngay lập tức hoa hậu sẽ trở thành nhân vật… sáng nhất trên mạng xã hội. Chỉ cần một cử chỉ sơ suất, hoa hậu sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Cô gái nào gánh được áp lực nặng nề đó, cô gái ấy mới xứng là hoa hậu.
Cuộc sống sau đăng quang của hoa hậu bị đảo lộn hoàn toàn. Lịch học tập, làm việc, sinh hoạt sẽ phụ thuộc vào bản “khế ước” từ ngày bước chân vào cuộc thi. Ăn gì, mặc gì, đi đâu, đi với ai, tất cả đều đã được lập trình. Cảm xúc của hoa hậu đôi khi là thứ cảm xúc bị… công nghiệp hóa.
Khóc theo kịch bản, cười cũng theo kịch bản và đôi khi mắc sai lầm cũng phải theo kịch bản. Nhưng tất cả những thứ như thế cũng là lẽ công bằng. Ranh giới giữa một cô gái đẹp và một hoa hậu là một trời một vực. Đường đến vương miện không bao giờ là con đường trải đầy hoa hồng. Chỉ có điều, khi đã chấp nhận hoa hậu không còn nguyên bản là một ngày hội tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ thì cũng không nên quá kỳ vọng những giá trị cốt lõi của “cái đẹp”.
Hoa hậu đơn thuần chỉ là người vừa giành giải nhất ở một cuộc thi nhan sắc mà bản chất giống như một trò chơi truyền hình trúng thưởng mà thôi. Chừng nào nghĩ được như thế, ứng xử được như thế, sẽ chẳng còn những giọt nước mắt tức tưởi, giải thoát bởi hoa hậu đã trút bỏ được gánh nặng sau một nhiệm kỳ đăng quang.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hoa-hau-khoc-d187931.html