Hòa giải cơ sở góp phần hóa giải những khúc mắc ở cơ sở
Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Yên Bái thường xuyên chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức và chất lượng hoạt động của hòa giải ở cơ sở, nhằm hóa giải thành công những khúc mắc, mâu thuẫn ngay từ đầu.
Trong một thời gian dài gia đình bà Phạm Thị Hồng, ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái và gia đình anh Quý là hàng xóm có khúc mắc diễn ra âm thầm. Nguyên nhân do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi tại khu dân cư.
Khuyên nhủ có, vận động có, thậm chí là cả cãi cọ, xô sát. Nhưng do sinh kế nên hàng xóm nhà bà Hồng vẫn duy trì chăn nuôi lợn theo phương thức lạc hậu, còn gia đình bà Hồng vẫn hàng ngày phải sống chung với mùi hôi thối và tiếng ồn. Cuối cùng bà Hồng đành phải có đơn thư kiến nghị lên cấp trên về hành vi của hàng xóm.
Nắm bắt được thông tin, Tổ hòa giải cơ sở của tổ dân phố số 1, phường Yên Thịnh đã đến tìm hiểu, giải thích, tư vấn cho 2 gia đình cách giải quyết “thấu tình, đạt lý”. Nhờ vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường - nguyên nhân gây xích mích cơ bản đã được tháo gỡ. Từ đó hai gia đình đã giảm bớt đi cẳng thẳng.
Bà Phạm Thị Hồng chia sẻ: "Bao nhiêu năm gia đình chịu đựng mất vệ sinh, gia đình có trao đổi với anh Quý vài lần để tham gia, nhưng anh không nghe và gây sự. Từ khi Tổ hòa giải xuống thì mọi việc đã được giải quyết ổn ổn rồi. Tôi rất cảm ơn tổ hòa giải".
Còn gia đình chị Đặng Thị Thu Điểm, thôn Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình bị hàng xóm lấn chiếm, sử dụng trái phép một số diện tích đất mặt đường. Sau nhiều lần không đòi được, chị Điểm quyết định sẽ làm đơn gửi Tòa án để giải quyết.
Nhận được thông tin, Tổ hòa giải cơ sở thôn Hương Lý đã gặp gỡ, tư vấn, vận động 2 bên gia đình cùng ngồi lại giải quyết mâu thuẫn, tránh mọi việc đi quá xa. Đồng thời, phân tích cho gia đình đã lấn chiếm đất của nhà chị Điểm về hành vi trái pháp luật và những hậu quả nếu chị Điểm làm đơn kiện ra tòa. Chính vì vậy, gia đình hàng xóm đã trả lại đất cho gia đình chị Điểm.
Chị Đặng Thị Thu Điểm cho biết thêm, khi có tranh chấp như thế, hai gia đình có nhiều mâu thuẫn với nhau khiến chị rất bức xúc. Khi Tổ hòa giải tiến hành hòa giải thì vấn đề đã được giải quyết, hiện hai gia đình đã qua lại với nhau như trước đây.
Vụ việc của gia đình bà Hồng và gia đình chị Điểm chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ hòa giải thành công từ cơ sở trong thời gian qua ở Yên Bái.
Tính từ năm 2014 đến tháng 12/2023, các Tổ hòa giải đã hòa giải thành công hơn 20 nghìn vụ việc, đạt tỷ lệ trên 91% ở các lĩnh vực chủ yếu như: đất đai, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp trong cộng đồng… Từ đó, góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, ngăn ngừa tội phạm, giữ gìn đoàn kết, ổn định trật tự - an toàn xã hội ở cơ sở.
Ông Lương Tuấn Ngà, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình chia sẻ, thôn có các tổ tự quản trong thôn nên khi có những vụ việc dù nhỏ cũng đều nắm bắt được. Trước khi giải quyết, tổ hòa giải của thôn xuống đến từng hộ gia đình để nắm bắt tư tưởng và trảo đổi sơ bộ, vì vậy, riêng trong năm 2023 này, 6 vụ việc của thôn đều được hòa giải thành công.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, các địa phương ở Yên Bái đã quan tâm đến hoạt động của Tổ hòa giải. Do đó, trong số hơn 8.700 thành viên của gần 1.400 Tổ hòa giải ở cơ sở đều được lựa chọn từ những người tâm huyết với công tác, có hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán và là người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Ông Trần Thế Công, Trưởng phòng Tư pháp huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi thực hiện Luật hòa giải đến nay, đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Sở Tư pháp và UBND huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở, và cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, tính chất và mức độ của các vụ việc ngày càng phức tạp nên đã tạo nhiều thách thức với công tác hòa giải cơ sở. Trong khi đó kinh phí hỗ trợ hòa giải còn thấp, chưa khuyến khích được người có năng lực vào làm công tác này.
Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái cho biết, trước hết cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của mặt trận tổ quốc ở cơ sở với các đoàn thể. Thu hút người làm công tác luật pháp như luật gia, luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán… tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng, và quan tâm kinh phí cho hòa giải ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều mâu thuẫn nhỏ nếu không kịp thời hóa giải sẽ trở nên vụ việc lớn. Chính vì vậy, các hoạt động hòa giải thành công tại cơ sở ở Yên Bái trong những năm qua đã trở thành nhịp cầu hóa giải những mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng dân cư, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở.