Hòa Bình ban hành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Nghị quyết về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh.

Kết thúc hoạt động của nhiều cơ quan Đảng

Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng: tỉnh Hòa Bình sẽ duy trì hoạt động của 4 cơ quan, tham mưu giúp việc cấp ủy tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và 3 tổ chức chính trị xã hội (Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh).

Hòa Bình sẽ duy trì hoạt động của 4 cơ quan, tham mưu giúp việc cấp ủy tỉnh. Ảnh minh họa: Thu Hường

Hòa Bình sẽ duy trì hoạt động của 4 cơ quan, tham mưu giúp việc cấp ủy tỉnh. Ảnh minh họa: Thu Hường

Sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy (tên gọi là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy); thực hiện chức năng, nhiệm vụ đang giao cho 2 ban này.

Kết thúc hoạt động của Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh (8 Đảng đoàn, 3 Ban Cán sự, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh); thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể, HĐND, Tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh.

Các tổ chức, bộ máy bên trong của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hòa Bình được sắp xếp lại. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh giải thể 3 công đoàn ngành, thành lập mới 2 tổ chức công đoàn Khối Đảng và Khối Chính quyền trực thuộc và giảm 1 Ban chuyên môn; Hội Nông dân tỉnh giải thể Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, chuyển nhiệm vụ về Văn phòng và các Ban trực thuộc Hội Nông dân tỉnh.

Hợp nhất một số sở, ban, ngành và tương đương

Tỉnh Hòa Bình sẽ duy trì hoạt động của 6 sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch, Ban Quản lý xây dựng công trình giao thông).

Một số sở, ban, ngành và tương đương thực hiện việc hợp nhất gồm: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính (tên gọi là Sở Kinh tế - Tài chính), thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng (tên gọi là Sở Xây dựng và Giao thông), thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ (tên gọi là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông), thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NN&PTNT (tên gọi là Sở Nông nghiệp và Môi trường), thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hợp nhất Sở LĐ-TB&XH và Sở Nội vụ (tên gọi là Sở Nội vụ và Lao động), thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ (trừ công tác tôn giáo) và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.

Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (tên gọi là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng); thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện được giao cho 2 ban quản lý này.

Tinh gọn bộ máy bên trong

Theo đó, một số cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, cụ thể: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc tỉnh đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo, tiếp nhận chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo từ Phòng Bảo trợ xã hội của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về Phòng Chính sách dân tộc và dự kiến đổi tên thành Phòng Chính sách dân tộc và giảm nghèo.

Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc sở.

Thanh tra tỉnh tổ chức lại 3 phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thành 2 phòng (Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại và Phòng Thanh tra giải quyết tố cáo).

Một số sở, ngành sẽ hợp nhất. Ảnh minh họa: Thu Hường

Một số sở, ngành sẽ hợp nhất. Ảnh minh họa: Thu Hường

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hợp nhất Phòng Quản lý văn hóa và Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh hợp nhất Phòng Tiếng dân tộc và Phòng Văn nghệ giải trí thành Phòng Tiếng dân tộc và Văn nghệ giải trí.

Chuyển nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh về Sở Kinh tế - Tài chính; chuyển nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Giải phóng mặt bằng tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Kết thúc hoạt động của Ban Dân tộc của HĐND tỉnh, chuyển nhiệm vụ thực hiện lĩnh vực dân tộc ở địa phương về Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh.

Việc tinh gọn sắp xếp, tinh gọn tổ chức của Hòa Bình sẽ góp phần nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương cũng như của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-ban-hanh-phuong-an-sap-xep-tinh-gon-bo-may-367814.html