Hỗ trợ tốt nhất cho người dân tại các khu vực khai thác khoáng sản
Thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu Quốc hội thống nhất, cần tạo căn cứ pháp lý để bắt buộc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn. Quy định này nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân tại các khu vực khai thác khoáng sản.
Ràng buộc pháp lý đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản
Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến về 2 phương án quy định về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác.
Phương án 1 (Bổ sung điểm đ, khoản 1, Điều 8): Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, HĐND cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm hỗ trợ kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn; phần kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được hạch toán vào chi phí sản xuất.
Trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật; tham gia bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; giám sát hoạt động khoáng sản; kịp thời phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản khi phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm.
Phương án 2: Giữ như quy định tại khoản 2, Điều 5 của Luật Khoáng sản hiện hành. Cụ thể, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật.
Lựa chọn phương án 1 như đề nghị của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, quy định này vừa thể hiện rõ thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, vừa ràng buộc pháp lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình khai thác khoáng sản.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, phương án 1 sẽ tạo ra căn cứ pháp lý bắt buộc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn theo định mức do HĐND tỉnh quyết định.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, khuyết điểm lớn nhất của phương án 1 là chưa thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo gánh nặng chi phí cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến môi trường cũng như chất lượng đời sống nhân dân tại các khu vực khai thác khoáng sản là rất lớn. Do vậy, việc quy định theo hướng bắt buộc nhằm có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho điều kiện cuộc sống của người dân tại các khu vực khai thác khoáng sản.
Nên quy định tỷ lệ điều tiết thu nhập từ khai thác khoáng sản để lại cho địa phương
Nêu thực tế thời gian qua việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát đã mang đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chỉ rõ, theo nhận định của các chuyên gia, tại đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ sạt lở, sụt lún đang diễn ra với mức đáng báo động và ngày càng nghiêm trọng hơn với nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do khai thác khoáng sản.
“Khoảng 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long bị mất hơn 350 ha đất. Hiện toàn vùng đang có đến 743 điểm sạt lở, rất cần tăng cường huy động các nguồn lực lực để hỗ trợ cho người dân cũng như các địa phương bị ảnh hưởng, đặc biệt là do sạt lở từ hậu quả của việc khai thác khoáng sản”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện như: ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi; phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Đánh giá các nội dung quy định này là rất xác đáng, xong đại biểu cũng lưu ý, vẫn còn một số nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân bị ảnh hưởng bởi hậu quả của hoạt động khai thác khoáng sản chưa được quy định rõ.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền lợi của người dân trong việc được các tổ chức, doanh nghiệp đền bù thiệt hại như về đất đai, hoa màu, nhà cửa…do hậu quả từ hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, nhất là trước tình huống bị sạt lở. Bổ sung quy định mức hỗ trợ kinh phí tối thiểu do HĐND tỉnh quyết định, nhằm tạo căn cứ pháp lý và buộc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cho địa phương trong đầu tư nâng cấp, duy tu xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường nơi thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản.
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) lưu ý, dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng dân cư, nhưng chưa nêu rõ mức hỗ trợ cụ thể và cơ chế điều tiết.
Tại các địa phương có khai thác khoáng sản thì nhu cầu về phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường sống là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị quy định rõ hơn tỷ lệ điều tiết thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản để lại cho địa phương, nhằm phục vụ công tác đầu tư hạ tầng, khôi phục môi trường, bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương. "Đây là yếu tố quan trọng để duy trì sự đồng thuận của cộng đồng nơi có hoạt động khai thác, giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản".
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ, trách nhiệm hỗ trợ kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn là quy định được kế thừa từ Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án 1. Tuy nhiên, với một số ý kiến đề nghị quy định tỷ lệ đóng góp nhất định, ví như dựa trên doanh thu... Bộ trưởng cho biết, Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã có quy định về vấn đề này theo hướng chi phí hỗ trợ cho địa phương để xây dựng các công trình hạ tầng được hạch toán vào chi phí sản xuất. Tuy nhiên, luật không quy định thẩm quyền cơ quan nào sẽ quy định nghĩa vụ hỗ trợ đóng góp cho địa phương.
Trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đã thiết kế theo hướng căn cứ vào tình hình hoạt động khoáng sản thực tế ở địa phương, HĐND tỉnh quyết định trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, quy định này là phù hợp và linh hoạt, bởi không phải hoạt động khai thác khoáng sản nào cũng có tác động giống nhau. Do vậy, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu đồng thuận với phương án 1 trong dự thảo Luật để bảo đảm tính linh hoạt. Trong trường hợp cần thiết, kiến nghị Quốc hội có thể giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết quy định này.