Hộ kinh doanh lo lắng khi bỏ thuế khoán
Nhiều hộ kinh doanh hoang mang trước các quy định thuế mới, song các chuyên gia khẳng định nếu làm đúng thì không việc gì phải lo
Từ ngày 1-6, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền, theo quy định mới tại Nghị định 70/2025 - sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020. Quy định này khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực (F&B), cảm thấy bối rối và lo lắng.
Quy định quá mới
Tại hội thảo phổ biến các quy định mới của Nghị định 70/2025 dành cho nhóm hộ kinh doanh F&B, do Hiệp hội Ẩm thực TP HCM (FBA) phối hợp với Hội Tư vấn và Đại lý thuế thành phố (HTCAA) cùng Viettel TP HCM tổ chức ngày 22-5, ThS Nguyễn Ngọc Tịnh - Phó Chủ tịch HTCAA, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đại lý thuế TPM - nhìn nhận một số quy định mới đang khiến nhiều chủ quán ăn hoang mang. Chẳng hạn, yêu cầu bắt buộc sử dụng máy tính tiền, thời điểm kê khai thuế, thời điểm truyền dữ liệu, các mức phạt nếu không tuân thủ...

Rất đông người kinh doanh tham dự hội thảo để tìm hiểu về những quy định mới
"Có chủ quán nói với tôi rằng sau khi đọc xong nghị định, họ phải tạm đóng quán vài ngày để định thần lại vì có quá nhiều điều mới mẻ" - ông Tịnh cho biết. Theo ông, các hộ kinh doanh trước giờ chỉ quen bán hàng và đóng thuế khoán, giờ phải lo máy móc, sổ sách kế toán nên tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ông Tịnh cũng trấn an nếu các hộ kinh doanh không làm sai thì không việc gì phải lo lắng. Ông cho rằng việc minh bạch hóa hoạt động kinh doanh thông qua máy tính tiền sẽ mang lại nhiều lợi ích, như loại bỏ hàng hóa không rõ nguồn gốc, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, giúp bảo vệ người làm ăn nghiêm túc. Ngoài ra, việc minh bạch doanh thu còn giúp chủ hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng, thay vì phải dùng sổ đỏ thế chấp như trước đây.
Là người trong cuộc, bà Lê Thị Kim Thu, đồng sáng lập chuỗi bún đậu A Chảnh (18 chi nhánh, trong đó 17 chi nhánh tại TP HCM), cho biết chuỗi đang hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh và mỗi chi nhánh hiện đóng thuế khoán từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Bà dự tính từ tháng 6, nếu tính theo doanh thu ghi nhận từ máy tính tiền, số thuế phải nộp có thể tăng gấp 2 - 3 lần.
Theo bà Thu, nếu tình huống đó xảy ra, chỉ các chi nhánh có doanh thu cao, lợi nhuận tốt mới có thể tiếp tục vận hành hiệu quả. Với các chi nhánh còn lại, bà đang cân nhắc chuyển sang mô hình doanh nghiệp (DN) để chỉ đóng thuế thu nhập DN khi có lãi.
Tuy nhiên, bà Thu cũng lo lắng vì mô hình DN sẽ phát sinh nhiều chi phí và các mức xử phạt cao hơn so với hộ kinh doanh. "Chúng tôi mong nhà nước có hướng dẫn chi tiết để việc chuyển đổi sang DN được dễ dàng hơn" - bà bày tỏ.
Đẩy mạnh truyền thông
Ông Nguyễn Châu Báu, Phó Chủ tịch FBA, đánh giá phần lớn các đơn vị trong hệ sinh thái F&B có quy mô vừa và nhỏ, gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận và thực thi các quy định mới. Do đó, FBA đang đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý, chuyên gia thuế và cộng đồng hộ kinh doanh, nhằm giúp người làm F&B hiểu đúng chính sách, an tâm vận hành và từng bước chuyên nghiệp hóa mô hình kinh doanh.
"Các hộ kinh doanh cần cập nhật chính sách, tránh sai sót trong quá trình áp dụng, hướng đến mô hình kinh doanh minh bạch - bài bản - hiệu quả - bền vững" - đại diện FBA nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, Phó Giám đốc Viettel TP HCM - nêu thực tế hiện nay, nhiều hộ kinh doanh ẩm thực vẫn tính toán đơn giản kiểu chi ra (nguyên liệu, nhân công, mặt bằng...) 2 triệu đồng, bán được 3 triệu là lời 1 triệu đồng. Nhưng về nguyên tắc, nếu tính đúng, tính đủ thì không đơn giản như vậy.
"Các chủ quán cần nâng cao trình độ quản lý, biết tính đầu vào - đầu ra như một giám đốc điều hành. May mắn là hiện nay có nhiều công nghệ và dịch vụ hỗ trợ. Mọi người có thể nhìn cách các cây xăng in hóa đơn cho khách làm ví dụ. Mọi việc không quá khó" - ông Đức nhận định.
Tuy vậy, ThS Nguyễn Ngọc Tịnh cho rằng các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm lo lắng là có cơ sở. Bởi lẽ, họ phải đầu tư thiết bị, phần mềm, trong khi doanh thu và lợi nhuận không tăng, dẫn đến giảm lợi nhuận thực tế. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để các hộ hiểu rõ lợi ích của hóa đơn điện tử, như: minh bạch dòng tiền, có thể dùng vay vốn ngân hàng...
"Nếu Chính phủ nghiên cứu các giải pháp để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ một cách đầy đủ, thuận tiện, nhanh chóng nhưng không làm tăng chi phí tuân thủ thì hộ kinh doanh sẽ sẵn sàng hưởng ứng" - ông Tịnh nhìn nhận.
Nỗi lo về kế toán, khai báo thuế
Theo ThS Nguyễn Ngọc Tịnh, nỗi lo lớn nhất của các hộ kinh doanh hiện nay là việc khai báo thuế, ghi sổ kế toán và lập chứng từ - vốn phức tạp, mất thời gian và họ không đủ năng lực tự thực hiện. Nếu họ thuê dịch vụ, lợi nhuận lại bị bào mòn.
"Những hộ kinh doanh chân chính, có hồ sơ - chứng từ đầy đủ thì rất phấn khởi vì trước giờ phải cạnh tranh với hàng trôi nổi, hàng giả, hàng kém chất lượng" - ông Tịnh đánh giá.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ho-kinh-doanh-lo-lang-khi-bo-thue-khoan-196250522204246909.htm