Hình bóng mẹ chính là tượng hình đất nước

Bài thơ 'Mẹ của những đứa con liệt sỹ' được chọn in trong tập 'Nửa thế kỷ thơ' (1957- 2007) NXB Quân đội nhân dân năm 2006) có tứ lạ. Chu Linh - một người lính thương binh lần đầu tiên in bài thơ này trên tạp chí Văn nghệ quân đội, khi đó nhà thơ Vương Trọng là biên tập viên, ông đã nhận xét: 'Với tôi, đây là bài thơ hay nhất của nước ta về đề tài mẹ liệt sỹ'.

MẸ CỦA NHỮNG ĐỨA CON LIỆT SĨ

Các anh hy sinh ở mặt trận miền Tây

máu mẹ thấm bầm đất miền rừng xa ngái

chiều chiều dõi mắt về phương ấy

lòng mẹ chiều nào cũng có mặt trời rơi.

dáng mẹ còng lưng đối xứng với chân trời

bóng mẹ nổi lằn trên bờ vùng, bờ thửa

chiều chiều bóng núi sà xuống ngõ

bóng mẹ nhập vào bóng núi rừng xa.

Thương trẻ là nỗi đau dằn vặt thân già

đầu mẹ đêm đêm như có rễ xuyên, mưa xối

lòng mẹ rộng quá biển trời biên giới

Mái tóc bạc đêm đêm gối tận chỗ anh nằm…

Tôi đưa mẹ thăm nghĩa trang Trường Sơn

hai ngày đường suốt một thời đánh Mỹ

đứng bên chỗ các con mình yên nghỉ

mẹ đã như được thấy các anh về

mẹ đã như được đến mọi miền quê

đất nước yêu thương thấm máu bao bà mẹ

đất nước yêu thương ngàn đời tươi trẻ

với những đứa con sống mãi tuổi xuân xanh

Hỡi anh Cẩn, anh Quán* cùng các chị, các anh

dẫu hôm nay không còn để chào, thưa mẹ

những hàng bia nghiêm trang, lặng lẽ

đã xưng tên cùng với chiến công

Như tiếng những bước chân bạt đồi, xẻ đá

xen trong trống ngực mẹ bồi hồi

và dáng hiên ngang của những tượng đài

mẹ đã thấy các con mình trong trận.

Chu Linh

* Anh Cẩn, anh Quán - hai anh em đều hy sinh ở mặt trận miền Tây và hài cốt được đồng đội đưa về nghĩa trang Trường Sơn.

Lời bình :

Bài thơ “Mẹ của những đứa con liệt sỹ” là một bài thơ hay và nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đúc kết: “Thơ hay là giản dị mà ám ảnh”. Giản dị nhưng không giản đơn bởi bài thơ này là những câu thơ viết ra từ đáy lòng mình, những câu thơ gan ruột viết về nỗi niềm trông ngóng hy vọng con trở về và nỗi đau đớn tột cùng khi mẹ nghe tin đứa con hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam.

Bài thơ là mạch kể tâm tình xen lẫn giao thoa bao trạng thái cung bậc tình cảm và giao cảm bởi sự sẻ chia của một người lính với bà mẹ có con là liệt sỹ. Vì thế, hơn ai hết, Chu Linh qua sự quan sát và tinh tế cảm nhận khiến chủ thể trữ tình khắc họa người mẹ hiện lên vừa sống động, cụ thể vừa có sức khái quát cao phát hiện những vẻ đẹp cao cả, những thẳm sâu nỗi lòng của mẹ “Việt Nam anh hùng”.

Mẹ đã hóa thân vào đất đai sông núi của Tổ quốc khi “Các anh hy sinh ở mặt trận miền Tây - Máu mẹ thấm bầm đất miền rừng xa ngái”. Các anh mang hình hài của mẹ, mang dòng máu của mẹ - Một người mẹ mà trong thảng thốt của thần giao cách cảm đã thấy: “Lòng mẹ chiều nào cũng có mặt trời rơi” về cái phương ấy, cái mặt trận miền Tây ấy.

Chu Linh thật nhạy cảm hóa thân khi phát hiện ra những thi tứ bất ngờ trước những so sánh bằng trực cảm ám ảnh: “Dáng mẹ còng lưng đối xứng với chân trời - Bóng mẹ nổi lằn trên bờ vùng, bờ thửa - Chiều chiều bóng núi sà xuống ngõ - Bóng mẹ nhập vào bóng núi rừng xa”. Chính sự trực cảm đã nới rộng biên độ yêu thương tình cảm mẹ con lớn lao, vươn xa vươn tới như không có giới hạn thật xúc động hòa trong không gian của tình yêu đất nước.

Những câu thơ hay nhất là những hình ảnh rất cụ thể được chắc lọc thẩm thấu đến tận cùng đau xót, đọc lên ta không thể cầm được nước mắt, thương biết bao hình ảnh mẹ già: “Đầu mẹ đêm đêm như có rễ xuyên, mưa xối” và “Mái tóc bạc đêm đêm gối tận chỗ anh nằm”. Đây là lòng mẹ vẫn muốn về nơi con an nghỉ để mong vỗ về chở che đứa con yêu dấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là những thi ảnh rất hiếm gặp trong thơ Việt Nam bởi không chỉ là sự quan sát tinh tế mà là sự hóa thân đồng cảm nỗi đau của mẹ cũng chính là nỗi lòng tác giả.

Biện pháp tu từ ẩn dụ, ngôn ngữ thơ giàu ý tưởng khiến người đọc như đau nỗi đau cả thể chất và tinh thần của mẹ. Ở đây ta thấy tác giả dùng lối điệp ngũ để nhấn mạnh “Đầu mẹ đêm đêm”, “Mái tóc mẹ đêm đêm” để nói lên định lượng thời gian khắc khoải nhưng không có một lời trách móc than tiếc.

Sự vận động cảm xúc của tứ thơ như một hợp âm trầm đến độ rung cảm sâu lắng nhất thì hình ảnh người mẹ đến thăm con ở nghĩa trang Trường Sơn càng tôn vinh vẻ đẹp cao cả không bi quan, bi lụy. Bởi mẹ hiểu sự hy sinh của đứa con vì mục đích cao đẹp là chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Điệp khúc: “Mẹ đã như được thấy các anh về - Mẹ đã như được đến mọi miền quê” như là một sự bất tử để kết nối nhân lên một tình yêu lớn lao, một phẩm chất cao quý thầm lặng, một sự hy sinh tận hiến: “Đất nước yêu thương thấm máu bao bà mẹ - Đất nước yêu thương ngàn đời tươi trẻ - Với những đứa con sống mãi tuổi xuân xanh”.

Các anh vẫn sống mãi với tuổi 20 khắc trên trên mộ chí, trong ký ức của mẹ. Câu thơ bỗng vang vọng gọi tên: “Hỡi anh Cẩn, anh Quán” như một lời gọi hồn khẩn thiết mà cũng như một ghi nhận tôn vinh thật thiêng liêng khi: “Những hàng bia nghiêm trang, lặng lẽ - Đã xưng tên cùng với chiến công”. Bài thơ từ gam trầm chuyển sang gam trưởng với những âm vang, âm vọng da diết khắc ghi hình dáng tượng đài muôn đời bất diệt: “Và dáng hiên ngang của những tượng đài - Mẹ đã thấy các con mình trong trận”.

Bài thơ kết thúc thật có hậu, thật bi tráng, thật cao cả, thiêng liêng và dư âm vẫn còn lan rộng, lan ra lay thức bởi hình bóng mẹ chính là tượng hình đất nước trong những ngày tháng 7 thiêng liêng lịch sử.

Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/409109/hinh-bong-me-chinh-la-tuong-hinh-dat-nuoc.html