'Hình ảnh và khoảng cách': Kiệt tác hội họa đỉnh cao của hai danh họa người Áo
Triển lãm 'Hình ảnh và khoảng cách: Các tác phẩm của Gustav Klimt và Egon Schiele trong thời kỳ biến chuyển' vừa khai mạc đã mang đến sự ngạc nhiên cho công chúng yêu hội họa Hà Nội với 16 sáng tác đỉnh cao của hai danh họa người Áo.
Những bức tranh nổi tiếng nhất như “Nụ hôn”, “Chân dung Adele Bloch Bauer I”, “Sự sống và cái chết”, “Cây đời” của danh họa Klimt; “Tự họa đầu nghiêng”, “Mẹ và con II”, “Bốn cây”, “Đức Hồng y và nữ tu sỹ” của danh họa Schiele đã được thể hiện theo cách thức đầy mới lạ và hấp dẫn.
Toàn bộ tác phẩm hiển thị dưới dạng hình ảnh số có độ phân giải cao với kích thước khác nhau, được trình chiếu trên nhiều thiết bị như máy chiếu, màn hình tivi, máy tính và điện thoại di động.
Đặc biệt, không gian của triển lãm được sắp xếp với chủ ý tạo ra sự thay đổi liên tục trong khoảng cách vật lý giữa người xem và các hình ảnh, đem đến những trải nghiệm thị giác và cảm xúc mới mẻ, phong phú, giàu ý nghĩa. Các tác phẩm đều được trưng bày lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ triển lãm “Hình ảnh và khoảng cách” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA).
Ông Mizuki Endo, Giám đốc Nghệ thuật VCCA, cho biết, trong thời đại của truyền thông xã hội và tiếp cận hình ảnh không giới hạn ngày nay, triển lãm hy vọng sẽ giúp chúng ta ý thức và suy ngẫm về sự thấy, về cách nhìn, xem cách thức chúng ta tiếp nhận hình ảnh có thể có tác động như thế nào trong thời đại này.
Hai danh họa Gustav Klimt và Egon Schiele sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – thời kỳ hoàng kim nhất của những khai phá văn hóa mới tại Vienna. Ở nơi là một trong những cái nôi sản sinh ra kỷ nguyên của chủ nghĩa hiện đại, Klimt và Schiele đã bứt phá khỏi khuôn khổ của nghệ thuật hàn lâm, kinh viện để kiến tạo nên những hình thức nghệ thuật biểu hiện mới mẻ và độc đáo.
Gustav Klimt (14/7/1862 – 6/2/1918) là một họa sĩ theo trường phái Tượng trưng người Áo. Là người sáng lập nên nhóm Ly khai Vienna và được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất của phong trào Tân Nghệ thuật, Klimt đã tiên phong phát triển nên một phong cách nghệ thuật đặc biệt mang tính trang trí và đầy gợi cảm.
Các tác phẩm của ông kết hợp những hình dạng cách điệu hóa và màu sắc phi tự nhiên trong một phong cách hội họa giàu tính trang trí và đầy gợi cảm, thể hiện một cảm thức mạnh mẽ về khao khát tình yêu, sự sống và cái chết.
Những tác phẩm của Gustav Klimt thường chỉ mô tả một phía của chủ thể, một phong cách mà ông cự kỳ thích thú, mặc dù kỳ lạ nhưng tính cả về số lượng lẫn chất lượng thì chúng đều được đánh giá rất cao. Thực ra, phong cảnh trong những bức tranh của ông được tạo thành bởi những đường nét, họa tiết tinh tế và dứt khoát. Chiều sâu của không gian trong những bức vẽ về Attersee khiến người xem cảm thấy bất ngờ khi nó được thực hiện trên một mặt phẳng, và người ta tin rằng Klimt đã vẽ chúng khi nhìn qua kính thiên văn.
Chị Nguyễn Diệu Nhi, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Tác phẩm “Cây đời” của Gustav Klimt tại triển lãm là một tác phẩm hội họa nổi tiếng, nhưng lần này lại được thể hiện bằng phương pháp số cho nên rất ấn tượng với tôi.
Hai người phụ nữ hai bên tranh được coi là biểu tượng về hai giai đoạn của đời người, còn cái cây là một thực thể sống động, biến hình và thay đổi liên tục như cuộc sống. Nếu coi “Cây đời” là một bức tranh phong cảnh thì đây là bức tranh phong cảnh duy nhất còn sống sót của Klimt mà có sử dụng chất liệu vàng”.
Những bức tranh của Klimt chủ thể chính hầu hết là phụ nữ, người mẫu được yêu cầu tạo dáng ở những tư thế khiêu gợi cho đến khi ông ấy cảm thấy hài lòng. Trong một tài liệu viết tay hiếm hoi của Klimt với tên gọi "Bình luận về bức chân dung không tồn tại", ông có nói rằng "Tôi chưa bao giờ vẽ chân dung cho chính mình, tôi không mấy hào hứng khi chính mình là chủ thể trong tranh, tôi yêu cái đẹp của người khác trong tranh hơn, trên hết vẫn là những người phụ nữ quyến rũ... Tôi không có gì đặc biệt, chỉ là một họa sĩ ngồi bên giá vẽ từ sáng đến tối. Nếu ai đó muốn biết chút gì đó về tôi, hãy xem tranh của tôi một cách kỹ lưỡng".
Năm 1911, bức họa “Sự sống và cái chết” giúp ông giành được giải thưởng đầu tiên trong triển lãm diễn ra tại Rome. Năm 1918, Klimt ra đi bất ngờ vì bị đột quỵ và viêm phổi khi còn nhiều tác phẩm chưa kịp hoàn thành. Các bức tranh được danh họa Gustav Klimt vẽ trong giai đoạn vàng của ông nằm trong số những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và được sao chép nhiều nhất trong lịch sử.
Egon Schiele (12/6/1890 – 31/10/1918) là họa sĩ người Áo, một trong những gương mặt quan trọng nhất của trường phái Biểu hiện đầu thế kỷ 20, với những bức tranh mang cảm xúc mãnh liệt có khả năng chạm đến giá trị mang tính bản thể của con người.
Hội họa của Schiele cực kỳ ấn tượng bởi lối thể hiện vô cùng bạo liệt. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông. Với cái nhìn độc đáo, lối miêu tả cơ thể tự nhiên và kỹ thuật tạo hình cực kỳ điêu luyện, hội họa của Schiele đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại.
Trần Thanh Hà, một sinh viên Hà Nội đến xem triển lãm cho biết, Egon Schiele đặc biệt nổi tiếng với những bức chân dung tự họa có gương mặt nhăn nhó, biến dạng. Egon Schiele giống như đang thử nghiệm với chính mình, với cơ thể của mình - người đã vượt khỏi các quy ước để cảm nhận sự tồn tại của chính bản thân.
“Chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu hết những cảm xúc mà Schiele thể hiện trong những bức tranh chân dung này, nhưng cách chiêm ngưỡng tác phẩm luôn cho tôi những cảm xúc vô cùng mới. Tôi đã từng xem nhiều bức tranh của Egon Schiele tại các triển lãm, trên máy tính, nhưng cách tiếp cận bằng hình ảnh số thì đây là lần đầu. Tôi cho rằng triển lãm lần này là một trải nghiệm đáng nhớ”, Thanh Hà chia sẻ.
Các tác phẩm được lựa chọn để giới thiệu trong triển lãm đều ra đời trong những năm đầu thế kỷ 20 – giai đoạn đặc biệt đã chứng kiến những thay đổi căn bản không chỉ trong lịch sử nghệ thuật mà của cả lịch sử thế giới với sự kiện Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) và đại dịch “cúm Tây Ban Nha” kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người.
Năm 1918, cả Klimt và Schiele đều qua đời vì dịch bệnh này. Với mục đích đưa các tác phẩm kinh điển tiếp cận rộng rãi nhất tới công chúng, triển lãm là cơ hội thưởng lãm những tuyệt tác trăm năm của hai thiên tài hội họa.