Hiểu rõ, hiểu đúng về tự kỷ

Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ.

Xã hội cần chung tay trong công tác giáo dục trẻ tự kỷ

Tự kỷ là hội chứng, không phải căn bệnh

BS Đặng Thị Thanh Tùng - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, tự kỷ không phải là một căn bệnh, thế nên không có thuốc đặc dụng để chữa trị. Tự kỷ là một hội chứng. Một điều đáng quan ngại, ngày càng nhiều trẻ em mắc hội chứng này.

Hiện tại chưa tìm được nguyên nhân cụ thể của chứng tự kỷ, các nhà khoa học cùng các nghiên cứu có bằng chứng đưa ra một số yếu tố có thể dễ dẫn đến hội chứng này như: Di truyền; não bộ có cấu trúc bất thường; do tác động của môi trường, hóa chất độc hại gây biến đổi gen, thần kinh; do mẹ mắc bệnh trong quá trình mang thai và do chịu một sốc về tâm lý.

So với trẻ bình thường, trẻ bị tự kỷ thường ít tương tác xã hội, ít có cử chỉ giao tiếp, không chơi với bạn cùng tuổi, không chia sẻ hay quan tâm tới người khác; trẻ tự kỷ cũng chậm biết nói, hay nói nhại và hay có những phát âm vô nghĩa; có những hành vi kỳ quặc bất thường... Một trong những hành vi thường xảy ra là trẻ tự kỷ hay la hét, ăn vạ mỗi khi không hài lòng việc gì.

Trẻ bị tự kỷ hay la hét không thích giao tiếp, thường sống trong thế giới của riêng mình. Đa số trẻ không thích bị làm phiền, không thích chơi với các bạn cùng lứa tuổi và không thích làm điều mình không muốn.

Một trong những khó khăn của trẻ tự kỷ là rối loạn giác quan (những nhạy cảm về giác quan, về ngưỡng cảm giác). Môi trường ồn ào, có quá nhiều người xung quanh, hoặc có người làm phiền có thể khiến trẻ không thể chịu đựng được. Vì vậy trẻ la hét để cảnh báo, tố cáo. Đối với nhiều trẻ tự kỷ, la hét cũng được hiểu là sự phản đối khi không hài lòng.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ ở trẻ em, trong đó có việc trẻ tự kỷ hay la hét. Tuy nhiên, nếu kết hợp các phương pháp khoa học, sẽ mang đến nhiều hiệu quả tích cực đối với trẻ. Khi trẻ tự kỷ la hét, cha mẹ có thể xử lý như sau: Đầu tiên, cha mẹ cần cố gắng an ủi, xoa dịu những cơn giận dữ của trẻ/ Có chiến lược quản lý hành vi của con hợp lý: Có thể giả như không quan tâm (phớt lờ hành vi ăn vạ, la hét) nếu biết đó là hành vi ăn vạ để gây chú ý; Vỗ về xoa dịu nếu trẻ cảm thấy bất an thực sự; Cha mẹ tuyệt đối không đánh, mắng, sử dụng bạo lực với trẻ.

Hãy xoa dịu con bằng sự quan tâm, bằng lời nói, ánh mắt; Cho con tham gia vào những công việc đơn giản trong gia đình để trẻ có thể làm quen với một số kỹ năng, tăng khả năng phản xạ và kích thích trẻ giao tiếp.

Còn nhiều vướng mắc trong chẩn đoán và điều trị

Thạc sĩ, BS Phạm Minh Triết, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, hiện tại số lượng cơ sở y tế có thể đánh giá trẻ tự kỷ còn ít, đặc biệt tại các tỉnh. Hiện nay, mới chỉ có vài bệnh viện tỉnh có bác sĩ đến học tại khoa Tâm lý về đánh giá và định hướng can thiệp trẻ tự kỷ, trong khi hệ thống các bệnh viện tâm thần tỉnh, nơi có bác sĩ có thể đánh giá được trẻ tự kỷ thì ít được bệnh nhân tiếp cận. Bên cạnh đó, hầu hết bác sĩ tại các bệnh viện tâm thần chỉ quen khám và điều trị cho người lớn nên việc đánh giá tự kỷ ở trẻ em còn nhiều thách thức.

Việc thiếu cơ sở y tế có khả năng đánh giá trẻ tự kỷ, đặc biệt ở các tỉnh đã dẫn đến tình trạng quá tải ở những cơ sở có khả năng, khiến bệnh nhân được đánh giá và can thiệp muộn.

BS Triết cho biết, một trường hợp được chẩn đoán xác định tự kỷ, nếu thực hiện đầy đủ theo quy trình thì cần ít nhất 2 ngày với các đánh giá của bác sĩ, chuyên viên tâm lý, giáo viên đặc biệt cùng các công cụ đánh giá như ADOS, ADR-1, PEP-3, CARS… Nhưng thực tế, tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, việc đánh giá mỗi lần chỉ có thể kéo dài tối đa 30 phút, chủ yếu bằng phương pháp phỏng vấn MCHAT và đánh giá lâm sàng của ĐH La Trobe, không thể áp dụng công cụ ADOS-G (bảng quan sát đánh giá chung) vì không đủ thời gian và nhân lực.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán tự kỷ giữa các cơ sở y tế, giữa y tế với tâm lý, giáo dục còn nhiều khác biệt khiến kết quả chẩn đoán khác nhau. Đến nay, việc đào tạo chính quy cách đánh giá, chẩn đoán tự kỷ trong các ngành, đặc biệt là y khoa vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh dẫn đến sự khác biệt trong chẩn đoán giữa các cơ sở y tế.

Cho đến thời điểm hiện tại. chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn rối loạn tự kỷ, chỉ có thể điều trị bằng can thiệp hành vi và giáo dục. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc can thiệp sớm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ tự kỷ. Việc phát hiện sớm trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ là cơ hội vàng để trẻ có thể được can thiệp sớm.

Song Minh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/hieu-ro-hieu-dung-ve-tu-ky-4055970-b.html