Hiệu quả từ mô hình 'Đổi gạo lấy súng'

Mô hình 'Đổi gạo lấy súng' đang được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) triển khai, áp dụng và bước đầu có hiệu quả. Mô hình này được đơn vị tổ chức thực hiện từ năm 2017 và đã có đóng góp tích cực vào thế trận an ninh biên giới, an ninh địa phương vững chắc ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).

Xã Mô Rai được nhiều người gọi là “ốc đảo” bởi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều cộng đồng dân cư còn tồn tại những hủ tục, tập quán lạc hậu, trong đó có việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế săn bắn trái phép tràn lan, ẩn chứa nguy cơ mất an toàn và an ninh xã hội ở khu vực biên giới.

Nhờ làm tốt công tác vận động, công nhân, người lao động Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) đã giao nộp nhiều loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế.

Là đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Mô Rai, ngay từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Binh đoàn 15, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; về tác hại, nguy cơ và hậu quả nó cũng như hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và toàn dân.

Trong quá trình thực hiện nội dung vận động, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 đã đưa ra sáng kiến tặng 100kg gạo cho mỗi vũ khí quân dụng và 50kg gạo cho mỗi vũ khí tự chế được công nhân và người lao động giao nộp. Với sáng kiến trên, đến nay, đơn vị đã thu nhận gần 50 đơn vị vũ khí, trong đó có nhiều loại vũ khí quân dụng nguy hiểm. Có thể nói, mô hình “Đổi gạo lấy súng” đã và đang được đơn vị áp dụng thành công.

Nói về hiệu quả của mô hình trên, Thượng tá Nguyễn Hồng Thiện, Phó trưởng đoàn Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 chia sẻ, do phần lớn công nhân của đơn vị có trình độ hạn chế, nên công tác vận động được tiến hành thường xuyên, liên tục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để mọi người hiểu và tuân thủ.

Là người từng sở hữu vũ khí tự chế, nhờ công tác vận động, tuyên truyền của đơn vị, anh Lương Văn May, dân tộc Khơ Mú, công nhân Đội 4, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 đã quyết định giao nộp loại vũ khí nguy hiểm này. “Hoạt động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đã được các cấp công ty phổ biến tới từng người lao động. Nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ sự nguy hiểm của chúng và tự nguyện giao nộp. Tôi mong nhiều người khác có cùng suy nghĩ như tôi để tránh những hậu quả đáng tiếc”, anh Lương Văn May chia sẻ.

Kiểm tra các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế do công nhân, người lao động giao nộp.

Nhờ làm tốt công tác vận động và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và vũ khí tự chế có trong công nhân, người lao động nên trong nhiều năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 luôn bảo đảm an toàn, an ninh trong đơn vị.

“Một điều đáng mừng là trong nhiều năm qua, đơn vị không để xảy ra một vụ việc mất an toàn nào liên quan tới vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, Thượng tá Nguyễn Hồng Thiện nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác vận động cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 còn phối hợp với Công an xã Mô Rai, Bộ đội Biên phòng vận động người dân trong trong khu vực giao nộp vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn.

Nói về hiệu quả của mô hình Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 áp dụng thời gian qua, ông A Líu, người có uy tín ở làng Tang, xã Mô Rai chia sẻ: “Đồng bào nghe bộ đội, không còn cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế nữa. Bà con đã mang nộp hết cho lực lượng chức năng. Bộ đội và các ban, ngành của xã đã tuyên truyền để đồng bào làng Tang hiểu và làm theo”.

Đội công tác của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 vận động công nhân giao nộp vũ khí tự chế.

Để phát huy hiệu quả của mô hình “Đổi gạo lấy súng”, theo Thượng tá Nguyễn Hồng Thiện, trong thời gian tới, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 đưa ra mô hình mới: “Đổi nhu yếu phẩm lấy vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế” để tăng cường hiệu quả công tác đặc biệt này.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hieu-qua-tu-mo-hinh-doi-gao-lay-sung-736756