Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông

Bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao xây dựng nhiều mô hình với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Những tháng đầu năm 2024, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng vào tháng 1 và rét đậm, rét hại vào trung tuần tháng 2 và đầu tháng 3 cộng thêm giá vật tư nông nghiệp như phân bón và giá cả phân bón, thức ăn chăn nuôi ở mức cao; giá một số mặt hàng nông sản không ổn định và có xu hướng giảm làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Được sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện và sự chỉ đạo sát sao khuyến nông cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ; Trạm Khuyến nông Lâm Thao chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản tỉnh và các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp triển khai thực hiện một số mô hình, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của giống lúa Thái Xuyên 111 tại khu 3, xã Tiên Kiên

Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp triển khai thực hiện chín mô hình trình diễn các lúa giống mới, chất lượng cao vụ Xuân như giống: Dự Hương 8 gieo cấy 1ha tại thị trấn Lâm Thao; 1,5ha Thái Xuyên 111 tại khu 3, xã Tiên Kiên. Đây là mô hình trình diễn khảo nghiệm hai giống lúa mới, hỗ trợ nông dân 100% lúa giống. Chị Nguyễn Thị Hải Triều - Giám đốc HTX Dịch vụ điện năng xã Tiên Kiên chia sẻ: Đây là mô hình điểm đầu tiên để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn huyện. Đặc điểm của giống lúa Thái Xuyên 111 này là cấy càng thưa thì càng đẻ nhánh nhiều. Giống lúa khi nấu cơm hạt dẻo, trắng nên đáp ứng nhu cầu của nông dân và người tiêu dùng. Qua kiểm tra, theo dõi sinh trưởng của cây trồng, cây lúa sinh trưởng tốt, không bị chết do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại. Hiện cây lúa đang trong thờ kỳ đẻ nhánh rộ”.

Mô hình nuôi cá thịt của gia đình anh Trần Xuân Long, ở khu 9 xã Thạch Sơn, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu trên 200 triệu đồng.

Cùng với mô hình trình diễn khảo nghiệm hai giống lúa mới, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuyên truyền bà con thực hiện đúng cơ cấu giống, khung lịch thời vụ, kỹ thuật sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong các mô hình chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao phải kể đến mô hình nuôi cá thịt tại xã Thạch Sơn, diện tích 5ha của năm hộ dân tham gia như hộ anh Trần Xuân Long, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Duy Phú, Trần Trọng Cảnh. Anh Trần Xuân Long ở khu 9 chia sẻ: Điều quan trọng nhất trong nuôi cá thịt là việc phòng chống dịch bệnh cho đàn cá phải đặc biệt tuân thủ theo quy trình xử lý đáy và diệt khuẩn cho đàn vật nuôi, có như vậy đàn cá mới sinh trưởng và phát triển tốt. Với diện tích 26 sào nuôi cá thịt, mỗi năm gia đình tôi thả làm hai đợt (tháng 2 và tháng 7), nếu thời tiết thuận lợi, cá không bị bệnh, mỗi năm cho thu hoạch bình quân 11 tấn cá thịt, trừ chi phí thu trên 200 triệu đồng. Hay như hộ anh Anh Lê Văn Mạnh, với diện tích hơn 1ha ao nuôi cá thịt gồm trắm, chép, rô, mè, một năm thu hoạch hai vụ, trừ chi phí thu khoảng hơn 100 triệu đồng/năm...

Anh Lê Văn Mạnh kiểm tra máy tạo ô xi và môi trường nước tại ao nuôi.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thủy - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Để các mô hình thành công và nhân ra diện rộng, Trạm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và nông dân về kỹ thuật mới trong chăn nuôi và trồng trọt đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các loại giống mới. Chỉ đạo Khuyến nông cơ sở tuyên truyền ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất như: Áp dụng phương pháp phun thuốc BVTV, bón phân bằng thiết bị bay không người lái, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng trừ sâu bệnh, không để dịch xảy ra, giảm công chi phí... khảo sát các địa điểm triển khai mô hình nuôi thủy sản, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi.

Thông qua các mô hình trên địa bàn huyện Lâm Thao, những người nông dân đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thực tế. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã bước đầu được cải thiện. Từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-khuyen-nong/208483.htm