Hiệu quả thiết thực từ chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm'

Phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa tổng kết chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm', giai đoạn 2021–2025.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch trao Giấy chứng nhận cho các giáo viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề. Ảnh: Hà Hậu

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch trao Giấy chứng nhận cho các giáo viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề. Ảnh: Hà Hậu

Giai đoạn 2021–2025, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được Phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch triển khai một cách bài bản, từng bước nhân rộng mô hình từ các trường điểm sang toàn bộ hệ thống. Đây không chỉ là sự chuyển biến về phương pháp mà còn thể hiện quyết tâm của ngành giáo dục địa phương trong việc đặt trẻ em ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục.

Ngay từ năm học 2021–2022, 4 đơn vị đầu tiên được lựa chọn làm mô hình điểm đã tiên phong áp dụng đổi mới. Trong những năm tiếp theo, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện. Không chỉ là đổi mới về lý thuyết, các nhà trường còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo môi trường sư phạm, tích cực huy động sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh và chính các em nhỏ trong việc xây dựng không gian học tập, vui chơi phù hợp với lứa tuổi.

Hành lang lớp học trở thành nơi trẻ được trải nghiệm với những “vườn rau nhỏ” do chính tay các em gieo trồng. Bữa ăn dinh dưỡng học đường không chỉ đầy đủ chất mà còn là bài học về kỹ năng, thói quen tốt trong ăn uống. Mỗi lớp học là một không gian mở, nơi phương pháp STEAM được ứng dụng, trẻ được khám phá thế giới thông qua những dự án gần gũi với cuộc sống.

Từ cách tổ chức bếp ăn một chiều đảm bảo an toàn thực phẩm đến các hội thi sáng tạo như “Xây dựng môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm”, phong trào thi đua đã lan tỏa khắp 21 trường mầm non trong toàn huyện.

 Góc học tập, sáng tạo của các bé trường Mầm non Bắc Bình. Ảnh: Hà Hậu

Góc học tập, sáng tạo của các bé trường Mầm non Bắc Bình. Ảnh: Hà Hậu

Kết quả là hàng chục giải thưởng được trao ở các cấp, minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ giáo viên mầm non – những người âm thầm gieo chữ bằng trái tim.

Những hoạt động giàu giá trị trải nghiệm như lễ hội trò chơi dân gian, mô hình an toàn giao thông, tiếp cận đa văn hóa dân tộc đã mở ra một thế giới sinh động cho trẻ. Qua đó, các em không chỉ học chữ mà còn học cách cảm nhận, lắng nghe, phát triển tư duy và khả năng sáng tạo.

Điều đáng trân trọng là trong suốt quá trình triển khai, nhiều đơn vị đã vượt qua không ít khó khăn để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Trường Mầm non Đồng Ích dù có tới ba điểm lẻ vẫn tổ chức hiệu quả mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trường Mầm non Sơn Đông – hai lần chịu ảnh hưởng của thiên tai vẫn giữ vững thành tích. Trường Bắc Bình với hai khu học nhưng sở hữu đội ngũ giáo viên chuyên môn cao, trở thành điểm sáng trong toàn huyện.

Khép lại giai đoạn 2021–2025, 100% đơn vị trong huyện đã xây dựng được mô hình học tập phù hợp với trẻ. Đây không chỉ là thành công của một chuyên đề mà còn là minh chứng cho tư duy đổi mới trong giáo dục mầm non – nơi trẻ em được tôn trọng, được lắng nghe và được phát triển một cách toàn diện cả trí tuệ, thể chất lẫn tâm hồn.

Tại buổi tổng kết, Phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch đã trao Giấy chứng nhận cho 14 tập thể và 11 cá nhân xuất sắc thực hiện tốt chuyên đề, đồng thời ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-thiet-thuc-tu-chuyen-de-xay-dung-truong-mam-non-lay-tre-lam-trung-tam-post725423.html