Hiệu quả mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở một xã vùng biên

Thông qua những mô hình, cách làm thiết thực, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy (BĐBP Nghệ An) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân.

Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”

Mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở thôn Thủy Sơn (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) được thành lập từ đầu năm 2022 với 332 hội viên. Hàng tháng, cán bộ của Đồn Biên phòng và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thống nhất chủ đề sinh hoạt phù hợp, tập trung vào các nội dung liên quan đến Quy chế biên giới, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hòa giải cơ sở… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, vai trò tích cực của phụ nữ trong công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư tình cảm, động viên chị em khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Ra mắt CLB "Phụ nữ với pháp luật" ở thôn Thủy Sơn, xã Thanh Thủy. Ảnh: Ngọc Tú

Chị Nguyễn Thị Chung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” thôn Thủy Sơn cho biết: “Không chỉ tuyên truyền pháp luật, mà mỗi kỳ sinh hoạt CLB, các hội viên còn mang theo các vỏ lon, vỏ chai nhựa gom bán lấy kinh phí hỗ trợ phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như chị Nguyễn Thị Minh ở thôn Thủy Sơn là hộ nghèo, bị bệnh tim đã được Câu lạc bộ hỗ trợ một đàn gia cầm giống 50 con để có nguồn vốn ban đầu phát triển sản xuất.

Nói về sự ra đời của mô hình CLB Phụ nữ với pháp luật, Thiếu tá Hoàng Ngọc Bình - Chính trị viên phó (Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy) cho biết: Qua khảo sát tình hình thực tế tại địa bàn, để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến các hội viên phụ nữ, tạo môi trường sinh hoạt phong phú, lành mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Đồn đã tham mưu, phối hợp với Hội LHPN xã Thanh Thủy thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”. Bước đầu lựa chọn thôn Thủy Sơn để xây dựng mô hình điểm. Theo đó, hàng tháng, Đồn đều cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp cùng Hội LHPN xã Thanh Thủy tổ chức tập huấn cho các hội viên để họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong chính gia đình, làng xóm. Từ đó, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy phát tài liệu tuyên truyền cho các em học sinh. Ảnh: Ngọc Tú

Bà Hoàng Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Thủy cho biết: “Được sự quan tâm giúp đỡ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, từ mô hình điểm ở thôn Thủy Sơn, đến nay, trên địa bàn đã nhân rộng được 05 “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật” hoạt động nền nếp, hiệu quả. Thông qua mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật”, từ đầu năm 2022 đến nay Đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội LHPN xã Thanh Thủy tổ chức tuyên truyền tập trung được 72 buổi cho trên 5.300 lượt người nghe, tuyên truyền nhỏ lẻ được trên 480 lượt người, kết hợp cấp phát gần 7.000 tờ rơi, tờ gấp đến tận người dân trên địa bàn.

Từ thành công của mô hình, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy đã phối hợp với các lực lượng chức năng và Hội LHPN xã Thanh Thủy thành lập thêm nhiều mô hình khác như Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, Câu lạc bộ “Cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”. Đây là các mô hình mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân và đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các mô hình đồng thời cũng trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần giúp các hội viên và người thân trong gia đình nâng cao nhận thức, không vi phạm pháp luật, xây dựng gia đình hòa thuận, kiểu mẫu.

Sinh động những “Tiết học vùng biên”

Không chỉ mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật” được triển khai hiệu quả mà mô hình “Tiết học vùng biên” do Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy phối hợp với các Trường học trên địa bàn cũng tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

Mô hình "Tiết học vùng biên" được duy trì hiệu quả trên địa bàn xã Thanh Thủy. Ảnh: Ngọc Tú

Đại úy Trần Văn Quyết - Đội trưởng Vận động quần chúng cho biết: “Tiết học vùng biên” được đơn vị phối hợp tổ chức theo quý, luân phiên giữa các lớp học, bậc học. Mục tiêu của mô hình không chỉ dừng lại ở việc trang bị những kiến thức pháp luật về các nghị định, quy chế, quy định của pháp luật về biên giới quốc gia, hệ thống đường biên, mốc giới; cách nhận biết vùng cấm; vành đai biên giới và các quy định khác của pháp luật mà sau khi tham gia lớp học, chúng tôi mong muốn các em sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và cộng đồng, xây dựng ý thức tự giác chung tay cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Để các tiết học hiệu quả, bên cạnh việc lựa chọn nội dung để xây dựng giáo án phù hợp với lứa tuổi, bậc học, trong mỗi tiết học, các thầy giáo quân hàm xanh còn sử dụng phần mềm trình chiếu Slide PowerPoint; lồng ghép các trò chơi trắc nghiệm, câu đố vui có thưởng, cấp phát tranh ảnh, tờ rơi liên quan đến phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước, phòng chống ma túy, mua bán người... Từ đó, làm cho bài giảng trở nên mềm mại, giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, tạo không khí lớp học thân thiện, gần gũi giữa người dạy và người học.

Đại úy Trần Văn Quyết - Đội trưởng Vận động quần chúng

Ngoài các tiết học trực tiếp tại lớp, tại trường, học sinh còn được tham gia hoạt động ngoại khóa tham quan thực tế tại đường biên, cột mốc, thăm tìm hiểu cuộc sống, công tác của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Em Phan Võ Khánh Vân, học sinh lớp 9A, Trường THCS xã Thanh Thủy bày tỏ: Sau khi được tham dự tiết học ngoại khóa của các chú BĐBP, thế hệ trẻ chúng em càng hiểu rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ trong bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới quốc gia.

Đồn Biên phòng Thanh Thủy phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn Lào tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Ngọc Tú

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường THCS xã Thanh Thủy cho biết thêm: “Việc đưa tiết học vùng biên vào chương trình ngoại khóa tại các trường học phổ thông là cần thiết và ý nghĩa, không chỉ bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước mà còn giúp các em có thêm kiến thức về chủ quyền lãnh thổ, anh ninh biên giới quốc gia. Khi trở về nhà, các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và cộng đồng, từ đó giúp người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật và các quy định trong quản lý và bảo vệ biên giới”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Thanh Thủy cũng nhấn mạnh rằng: Các mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật mà Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương, các đoàn thể và trường học trên địa bàn phối hợp triển khai đã giúp cho quần chúng nhân dân và học sinh ở khu vực biên giới nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Từ đó, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh trên địa bàn biên giới.

Nguyễn Ngọc Tú (BĐBP Nghệ An)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/hieu-qua-mo-hinh-tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-o-mot-xa-vung-bien-post275144.html