Hiệu quả mô hình trồng ngô sinh khối ở xã Định Long

Thực hiện khâu đột phá tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Định Long (Yên Định) đã quyết liệt chỉ đạo gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua rà soát, xã đã chỉ đạo thực hiện chuyển đổi diện tích đất màu trồng dâu kém hiệu quả ở thôn Là Thôn để chuyển sang trồng cây ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc có giá trị kinh tế cao.

Đại diện lãnh đạo huyện, xã và HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Long thăm diện tích trồng ngô sinh khối của người dân.

Ngô sinh khối là loại cây lương thực ngắn ngày, phát triển nhanh, thân to khỏe. Ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp chín sáp (còn non sữa) làm thức ăn trực tiếp giàu dinh dưỡng hoặc chế biến ủ chua, viên nén hoàn chỉnh cho trâu, bò, giúp đàn trâu, bò sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh, bò sữa cho sản lượng sữa cao.

Để thực hiện hiệu quả trồng ngô sinh khối ở thôn Là Thôn, Đảng ủy xã giao HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Long trực tiếp phối hợp với cấp ủy, ban cán sự thôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ban đầu, người dân còn dè dặt, chưa muốn bàn giao đất cho HTX nhận thầu. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với cán bộ, trưởng các đoàn thể thôn tuyên truyền và tổ chức các buổi họp thôn để tạo sự đồng thuận, từ đó nhiều hộ dân đã thông suốt tư tưởng và đồng ý chuyển đổi, bàn giao đất cho HTX sớm triển khai thực hiện. Ngay vụ xuân năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Long đã đưa cây ngô sinh khối vào trồng với diện tích 14,5 ha và hoàn toàn sử dụng cơ giới hóa làm đất, gieo trồng nên thời gian hoàn thành nhanh, đúng khung thời vụ.

Ông Phạm Ngọc Loát, chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Long, cho biết: “Chúng tôi tìm hiểu kỹ về giá trị kinh tế của cây ngô sinh khối và mạnh dạn nhận lại diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân trồng thí điểm. Ngô sinh khối là cây trồng lấy toàn bộ cây và trồng được 3 vụ/năm; không mất nhiều công chăm sóc, tỷ lệ mắc sâu bệnh thấp; năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào. Đầu ra sản phẩm do Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa tiêu thụ theo giá thị trường, dao động từ 800 đến 1.100 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 1 triệu đồng/sào/vụ. Cao gấp hơn 2 lần so với trồng dâu và quan trọng là đầu ra ổn định, công chăm sóc ít vì sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sức lao động mà chi phí lại thấp".

Với những thuận lợi trên và để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vụ sản xuất thứ 2, xã Định Long tiếp tục mở rộng diện tích còn lại lên 18 ha. Một số hộ dân nhận thấy hiệu quả rõ rệt đã chủ động nhận thầu với HTX để sản xuất và được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch...

Anh Khương Văn Thọ, thôn Là Thôn cho biết: "Gia đình tôi nhận thầu gần 20 sào trồng ngô sinh khối. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng loại cây này bán cho công ty, người dân không phải sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nên không mất nhiều công sức. Sau 3 tháng thu hoạch gia đình tôi có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng”.

Anh Trịnh Viết Hảo, cùng thôn chia sẻ: "Qua 2 vụ sản xuất ngô sinh khối, tôi thấy giá trị thu nhập cao hơn so với những cây trồng khác. Khi thu hoạch, công ty đến thu mua tại ruộng, giá cả ổn định. Do vậy người dân chúng tôi yên tâm sản xuất".

Có thể khẳng định, việc tích tụ ruộng đất gắn với chuyển đổi cây trồng có giá trị đang mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho bà con nông dân xã Định Long. Ngoài giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, mô hình này còn góp phần cải thiện thu nhập, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, hướng người dân đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-trong-ngo-sinh-khoi-o-xa-dinh-long/199672.htm