Hiệu quả Chương trình CPRP ở Hoàng Su Phì

Huyện Hoàng Su Phì có tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 42%, hộ cận nghèo hơn 13%. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp với điều kiện canh tác khó khăn, thường xuyên bị tác động bởi điều kiện thời tiết, khí hậu... nên đời sống và thu nhập của người dân còn thấp. Đến nay, sau hơn 4 năm (2015 – 2019) được Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đồng tài trợ, các nhóm sở thích (CIG) được thành lập đã giúp người dân tiếp cận được kiến thức, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; thay đổi tập quán chăn nuôi, phát triển các mô hình sản xuất kinh tế giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống, xã hội.

Cán bộ phòng chức năng và Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện kiểm tra chất lượng đường bê tông liên thôn Pô Chuông – Chàng Chảy – Na Vang, xã Pờ Ly Ngài.

Thực hiện kế hoạch của chương trình, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã không ngừng chỉ đạo Chi hội Nông dân của 66 thôn thuộc 8 xã nằm trong Chương trình CPRP thực hiện tốt tuyên truyền về công tác Hội lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản nhằm vận động hội viên, nông dân hiểu về ý nghĩa, mục đích, lợi ích khi tham gia nhóm CIG. Đến nay, tại 8 xã: Nậm Ty, Hồ Thầu, Túng Sán, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Tụ Nhân, Chiến Phố và Pố Lồ đã thành lập được 173 nhóm CIG với 2.134 thành viên tham gia trên 14 nhóm lĩnh vực: Trồng, chế biến chè; nuôi lợn đen; nuôi bò, trâu, dê; trồng cây Mận máu; dược liệu; sản xuất rau an toàn; các sản phẩm từ đậu tương; trồng Thảo quả…

Anh Thèn Mạnh Tuấn, cán bộ Ban Quản lý CPRP xã Túng Sán và Nậm Ty cho biết: “Trong hơn 4 năm thực hiện chương trình với nhiệm vụ là cán bộ hỗ trợ chương trình tại xã và cũng là người sinh ra lớn lên tại địa phương; ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình, được trực tiếp đi sâu vào các thôn, bản và tiếp xúc với người dân địa phương; tôi nhìn nhận được thế mạnh của xã về phát triển các sản phẩm nông nghiệp như: Cây chè, Thảo quả và chăn nuôi. Đến nay, các nhóm CIG được thành lập và sản xuất ra các sản phẩm chè thơm ngon theo kinh nghiệm của người dân; do đó, nguyên liệu chè búp tươi được các nhóm sản xuất, chế biến thành các sản phẩm chè khô có chất lượng thơm ngon và được người dùng yêu thích. Từ đó, tôi hỗ trợ các nhóm thiết kế nhãn mác và lựa chọn bao bì tốt nhất để tạo nên bộ mặt của sản phẩm chè Shan tuyết của xã Nậm Ty và Túng Sán. Nhờ đó, sản phẩm chè của 2 xã trên đã có thể vươn ra thị trường và tạo được thương hiệu riêng”.

Với những nội dung đã, đang triển khai, trong 2 năm trở lại đây, sản lượng chè tăng từ 0,8 tấn lên 1,6 - 1,8 tấn/ha/năm. Các nhóm tự thu hái chè búp tươi chế biến thành chè thành phẩm có chất lượng thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng. Tính đến vụ 2 năm 2019, các nhóm đã sản xuất, chế biến được 15 tấn chè khô với giá bán trung bình đạt 65.000đ/kg. Từ khi được tài trợ, chương trình đã làm thay đổi cách sản xuất của người dân tại xã Túng Sán, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên từ 7,6 triệu đồng/hộ/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26 hộ xuống 8 hộ, hộ cận nghèo từ 15 xuống 13 hộ. Sau hơn 4 năm hoạt động, tỷ lệ tham gia của hộ nghèo và cận nghèo tại các nhóm bình quân là 68%. Trong 83 nhóm được giải ngân thì tỷ lệ giảm nghèo các nhóm bình quân đạt khoảng 11%, hộ cận nghèo giảm 28%. Nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP đã và đang góp phần đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân và đang trở thành động lực to lớn cho sự phát triển KT - XH của Hoàng Su Phì.

Bài, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201909/hieu-qua-chuong-trinh-cprp-o-hoang-su-phi-749513/