Hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội
ĐTO - Đến tháng 9/2024, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng giải pháp tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân nâng cao nhận thức, tự giác phòng ngừa và chủ động tố giác tội phạm.
Triển khai nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống TNXH và cai nghiện ma túy. Nổi bật, phối hợp Báo Đồng Tháp thực hiện chuyên trang Phòng, chống TNXH; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp phát sóng chuyên mục “Con đường hoàn lương, gương sáng điển hình sau cai nghiện”. Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố tổ chức trên 280 cuộc tuyên truyền với hơn 6.260 người tham dự; phát hơn 4.600 tờ rơi về chính sách pháp luật và cung cấp địa chỉ điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện, gia đình có người nghiện ma túy qua số điện thoại tư vấn miễn phí.
Sở LĐ-TB&XH thường xuyên chỉ đạo Cơ sở điều trị nghiện tỉnh tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự và nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện cho học viên. Trong quý III năm 2024, có 75 học viên cai nghiện bắt buộc hết thời gian chấp hành, 76 học viên hoàn thành điều trị tự nguyện. Ngoài ra, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh tiếp nhận mới 141 học viên, qua đó đang quản lý 508 học viên gồm cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và đối tượng xã hội. Ông Lê Văn Rạng - Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tỉnh, cho biết: “Cơ sở chú trọng triển khai các biện pháp quản lý, giáo dục, điều trị, cắt cơn giải độc và dạy nghề phù hợp với học viên. Ngoài ra, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho 597 lượt học viên các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy; tư vấn giúp học viên nhận thức sâu sắc hơn tác hại của ma túy đến cuộc sống của bản thân và gia đình; cách phòng ngừa các hiểm họa do ma túy gây ra nhằm thay đổi hành vi để đối tượng an tâm cai nghiện tốt...”.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 39 lượt tuyên truyền, thu hút gần 1.200 lượt người dân khu vực biên giới; xây dựng nhiều tin, bài tuyên truyền về phòng, chống tội phạm phát trên Trạm truyền thanh của địa phương và qua mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Ngoài ra, đối với các gia đình có con em trong diện nghi vấn tham gia TNXH, các Đồn biên phòng phân công cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tiếp cận, vãng gia để vận động, cảm hóa, giáo dục giúp từng bước thay đổi hành vi.
Công an tỉnh, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm với hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Qua công tác tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã tự nguyện giao nộp 2.083 vũ khí, công cụ hỗ trợ các loại; cung cấp hơn 450 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa phương.
Phát huy kết quả đạt được, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, TNXH. Lực lượng Công an chủ động triển khai các giải pháp đấu tranh với tội phạm, tập trung điều tra, khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trên địa bàn. Qua đó, giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự, không để xảy ra bị động, bất ngờ hoặc hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động phức tạp...