Hiện tượng kỳ dị: Trăng máu làm hàng loạt sinh vật 'rơi tự do'

Trăng tròn ma mị khiến hàng loạt sinh vật bay của Trái Đất như bị hút lấy, bay lên rất cao, để rồi bất ngờ đồng loạt mất độ cao khi trăng thường chuyển thành trăng máu.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Current Biology đã theo dõi chim yến đen phương Bắc (Cypseloides niger borealis), một loài chim luôn bay không ngừng nghỉ trong suốt 8 tháng di trú.

Một hiện tượng lạ đã xảy ra với loài chim này cũng như một số động vật bay khác: khi trăng tròn, chúng như bị mặt trăng hút lấy, bay lên cao vút. Nhưng mỗi khi nguyệt thực toàn phần (trăng máu) hay nguyệt thực một phần xuất hiện, những động vật bay này bất ngờ bị mất độ cao.

Trăng máu - ảnh: NASA

Trăng máu - ảnh: NASA

Để ghi nhận hiện tượng bí ẩn trên, nhà sinh vật học Anders Hedentrom từ Đại học Lund (Thụy Điển) và các cộng sự đã gắn cảm biến trên một số con chim yến đen phương Bắc. Kết quả cho thấy trăng tròn có thể khiến chúng bay đến độ cao 2.000 mét so với mực nước biển.

Chim yến đen phương Bắc và nhiều loài chim nhỏ khác thường có xu hướng bay cao hơn vào đêm sáng để tránh những con chim săn mồi, tuy nhiên các nhà khoa học lưu ý rằng dường như đó là một độ cao không cần thiết.

Họ khẳng định rằng việc bay cao hơn vào đêm sáng trăng như là một "hiệu ứng ánh trăng" mà nhiều loài động vật bị ảnh hưởng, cũng giống như việc cá mập hay trở nên hung dữ hơn vào đêm trăng tròn.

Lý do đơn giản của việc mất độ cao đột ngột giống như bị "rơi tự do" khi trăng máu, trăng non, với độ cao có khi chỉ 700 mét, đó chính là do ánh sáng từ Mặt Trăng mờ đi.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoa-hoc/hien-tuong-ky-di-trang-mau-lam-hang-loat-sinh-vat-roi-tu-do-20220319175954028.htm