Hiện thực hóa Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh - Kỳ 2

KỲ 2: GỠ KHÓ CƠ CHẾ VỐN CHO DỰ ÁN

Mặc dù dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu và đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến, rút ngắn chiều dài tuyến, giảm tổng mức đầu tư xuống còn hơn 23.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với phương án Bộ Giao thông - Vận tải lập quy hoạch ban đầu. Song, đây vẫn là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư đã gỡ khó về cơ chế vốn để dự án được triển khai.

Nỗ lực theo đuổi dự án

Dự án đường bộ cao tốc nối từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh có trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, nhưng thời điểm thực hiện dự kiến sau năm 2030. Song, trước thực trạng địa hình chia cắt phức tạp bởi nhiều dãy núi cao, xen kẽ là sông, suối, thung lũng hẹp, độ dốc lớn, giao thông xuống cấp, thiếu tính đồng bộ và kết nối, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, cuối năm 2018, Dự án đường bộ cao tốc nối từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chủ trương triển khai trước năm 2025 và giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư.

Ngày 10/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã mở ra cơ hội lớn để Cao Bằng hiện thực hóa đường cao tốc. Sau đó, tại Quyết định số 20/QĐ-TTg, ngày 16/1/2023, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư về phạm vi dự án, quy mô phân kỳ của dự án, tổng mức đầu tư sơ bộ, thời gian thực hiện dự án...

Được Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết hợp đồng với nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), ngày 15/9/2023, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; ngày 27/11/2023 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh gồm liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng. Đến ngày 28/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua cơ chế cho phép tỷ lệ góp vốn nhà nước tham gia dự án không quá 70% tổng mức đầu tư (quy định hiện nay không quá 50%) đã gỡ khó về cơ chế vốn để dự án được triển khai.

Đoàn khảo sát thực địa tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đoạn qua địa phận huyện Tràng Định (Lạng Sơn).

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Đây là dự án rất khó cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Trong suốt thời gian dài, tỉnh kêu gọi một số nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, nhưng họ chỉ mong muốn tìm giải pháp đốc thúc Chính phủ Việt Nam vay vốn nước ngoài thực hiện dự án để họ được làm nhà thầu thi công, do đó có lúc dự án rơi vào bế tắc. Năm 2018, Cao Bằng mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia nghiên cứu triển khai dự án. Doanh nghiệp đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với hầm xuyên núi cùng cầu vượt thung lũng, rút ngắn chiều dài tuyến, giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng hơn 23.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với phương án ban đầu. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng trong bối cảnh tỉnh còn khó khăn, bắt buộc nhà đầu tư đề xuất dự án phải tiếp tục có những giải pháp phân kỳ đầu tư với giai đoạn 1 khoảng 14.000 tỷ đồng để việc thực hiện dự án trở nên khả thi.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là công trình đầu tiên được khởi công nhờ chính sách thí điểm vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên đến 70% theo nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn Cao Bằng cho đến thời điểm hiện nay. Để dự án được triển khai, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan phối hợp xử lý một khối lượng lớn công việc, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc lên quan đến công tác lập quy hoạch, điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, thu xếp vốn để có đủ điều kiện khởi công dự án.

Sau nhiều nỗ lực, hết năm 2023, các thủ tục cuối cùng của Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được tỉnh và các bên liên quan hoàn thiện và tổ chức khởi công vào ngày 1/1/2024. Dự án đã đi được chặng đường dài, chứng kiến sự quyết tâm, vào cuộc rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các bên tham gia từ địa phương đến doanh nghiệp và ngân hàng bằng rất nhiều nỗ lực, sáng tạo vượt khó.

Dự án “thí điểm” các chính sách PPP mới

Tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 14.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án 6.580 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo tính toán, do đặc thù nhu cầu vận tải giai đoạn đầu của dự án chưa cao, trong khi tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt, lãi suất cho vay cao (khoảng 13%) nên phía các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tham gia dự án dẫn đến phần vốn của Nhà nước đầu tư dự kiến tham gia giảm 3.220 tỷ đồng.

Trước khó khăn về nguồn vốn, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Theo đó, Quốc hội đồng ý cho tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức vượt quá 50% tổng mức đầu tư theo Luật PPP hiện hành với 2 dự án trên cả nước, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1. Cụ thể, áp dụng vào dự án, Quốc hội cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư (quy định hiện nay không quá 50%) đã gỡ khó về cơ chế vốn để dự án được triển khai.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng làm việc với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư về cơ chế vốn, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (theo Luật PPP).

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là công trình PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Nghị định số 63 năm 2018 của Chính phủ quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc khi các thông tư, nghị định chưa hoàn thiện, thủ tục bị kéo dài, nhưng Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án đã kiên trì theo đuổi đến cùng. Việc Quốc hội thông qua nghị quyết được tăng tỷ lệ phần vốn Nhà nước lên không quá 70% trong dự án PPP có ý nghĩa quan trọng đối với Cao Bằng trong giai đoạn hiện nay vì cơ chế sẽ hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư; đồng thời, tính khả thi của dự án cao hơn, thời gian triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết: Hình thức PPP là phương thức tổ chức mà nhà thầu thi công dự án đồng thời là nhà đầu tư cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu EC và EPC thay vì các nhà thầu đơn lẻ. Dựa trên cơ sở pháp lý và đặc thù đây là dự án khó, phức tạp về quy mô, điều kiện tự nhiên, kiểm soát sử dụng vốn…, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương thức thực hiện dự án “3P+” để nâng cao năng lực quản lý dự án, tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Bên cạnh đó, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu cũng chính là lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án. Ở mô hình huy động vốn “3P+” thì P1+ là phần vốn ngân sách Nhà nước đóng góp bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương, với tỷ lệ vốn Nhà nước góp trên 50% và tối đa; P2+ là vốn chủ sở hữu đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước; P3+ vốn huy động từ tín dụng, trái phiếu, hợp đồng BBC (hợp tác kinh doanh), nguồn vốn huy động khác…

Năm 2023, tỉnh bố trí hơn 1.200 tỷ đồng, dự trù năm 2024 sẽ bố trí hơn 1.300 tỷ đồng thực hiện dự án. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng thuộc địa phận 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đang gấp rút triển khai. Theo kế hoạch, dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư khoảng 27,71 km còn lại (từ điểm cuối giai đoạn 1 tại Km 93+350 đến điểm cuối tại ranh giới Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh), thời gian dự kiến đầu tư sau năm 2026.
Kỳ cuối: Dồn lực giải phóng mặt bằng

KỲ 1: GỠ “NÚT THẮT” VỀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hien-thuc-hoa-du-an-duong-bo-cao-toc-dong-dang-tra-linh-ky-2-3168759.html