Hiến mô tạng là gieo mầm cho sự sống hồi sinh
Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng ngang tầm thế giới, song khó khăn lớn chính là tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn hiến mô tạng.
Ngày 23-12, tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM diễn ra Hội thảo truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng nhân “Tuần lễ vàng hiến tặng mô, tạng” tại TP.HCM do Bộ Y tế tổ chức.
Nhiều cuộc đời được hồi sinh kỳ diệu
Cuối tháng 8-2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về 1 trường hợp tai nạn giao thông không qua khỏi, được chẩn đoán chết não. Người này khi còn sống đã có nguyện vọng hiến mô tạng.
Ngay lập tức, bệnh viện rà soát và ghi nhận có 2 bệnh nhân phù hợp đang chờ ghép ga. Bệnh nhân thứ nhất là người đàn ông 53 tuổi bị ung thư gan và xơ gan nặng do viêm gan B. Bệnh nhân thứ 2 là bé gái 1 tuổi, nặng 7,2 kg ở Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật nguyên phát, nhiều lần nôn ra máu do biến chứng, đang trong tình trạng nguy kịch.
Ý thức được sự quý giá của lá gan từ người hiến tạng, các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã nghĩ đến giải pháp chia gan ghép cho 2 người.
Lá gan được tách đôi trên mâm phẫu thuật, đây là kỹ thuật lần đầu được thực hiện tại Việt Nam. Quá trình ghép gan được thực hiện một cách đồng bộ và chính xác. Một ngày sau ghép, 2 người được ghép tạng đều tỉnh táo, dần hồi phục.
Mới đây, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân nam (18 tuổi, ngụ An Giang) bị chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu. Dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng do bệnh nặng, bệnh nhân đã không hồi phục.
Sau khi được Chi hội Vận động hiến, ghép mô tạng của bệnh viện giải thích, gia đình đã đồng ý hiến mô tạng khi bệnh nhân chết não. 7 đơn vị tạng từ người hiến đã được chuyển đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.
Kỹ thuật ghép tạng cao nhưng nguồn tạng hiến thấp
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nhận định kỹ thuật ghép tạng của nước ta hiện nay rất cao nhưng nguồn tạng hiến rất thấp, chủ yếu là nguồn tạng từ người cho sống.
Nước ta có 5-10% số ca ghép từ nguồn cho chết não, thấp nhất thế giới. Trong khi các nước trên thế giới có đến 30-90% nguồn tạng là từ người cho chết não.
“Chúng ta cần các giải pháp để tăng tỉ lệ hiến mô tạng từ người cho chết não. Cần tuyên truyền hiến mô tạng sau khi qua đời là hành động đẹp, giúp cứu sống nhiều người đang khắc khoải mong chờ được sống. Hiến mô tạng là cho đi, mà cho đi là còn mãi” - bà Kim Tiến nói.
Cùng ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ do PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM làm chi hội trưởng.
“Bệnh viện đang phát triển ghép thận, gan, tim, tuy nhiên nguồn cho vô cùng hiếm. Chúng tôi chờ đợi nhiều năm trời cũng chỉ nhận được vài ca hiến mô tạng từ người cho chết não, hơn nữa sự phối hợp giữa nơi cho và nhận cũng nhiều khó khăn” - bác sĩ Bắc nói.
Bác sĩ Bắc nhấn mạnh Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ ra đời nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các bệnh viện, liên kết nguồn lực, xây dựng quy trình, quy định để việc hiến mô tạng được công khai minh bạch.
“Sự cho đi khi hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người, cái chết không phải là kết thúc mà là hành trình hồi sinh sự sống mới. Bệnh viện sẽ cố gắng để cùng nhau phát triển mạnh mẽ mạng lưới hiến ghép tạng, ngày càng cứu giúp được nhiều người bệnh đang mong chờ được ghép tạng” - bác sĩ Bắc chia sẻ.
Phát động cuộc thi “Cho đi là còn mãi”
Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển truyền thông - Tư vấn về hiến mô, tạng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan đã tổ chức Cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm báo chí - chủ đề “Cho đi là còn mãi”.
Cuộc thi nhằm tri ân những trái tim cao thượng đã hiến tạng để cứu sống nhiều mảnh đời đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Cạnh đó, cổ vũ, khích lệ người dân đăng ký hiến mô, tạng, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đăng ký hiến tạng.
Thể loại các tác phẩm tham gia cuộc thi bao gồm phim ngắn, báo chí, nhiếp ảnh, âm nhạc, hội họa, thời trang... Các tác phẩm dự thi có thể nộp trực tiếp tại Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam (40 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc thông qua email:cuocthisangtacchodilaconmai@gmail.com
Ban tổ chức bắt đầu nhận các tác phẩm dự thi từ ngày phát động 23-12-2024 đến trước 12 giờ ngày 30-10-2025.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hien-mo-tang-la-gieo-mam-cho-su-song-hoi-sinh-post826402.html