Hiểm họa từ bệnh rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần là dạng bệnh lý liên quan đến tâm trí và tinh thần của con người. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự rối loạn hoạt động của não bộ dẫn đến những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, hành vi, cảm xúc và ý tưởng của người bệnh.
Bệnh tâm thần cần được thăm khám, chẩn đoán, điều trị bởi chuyên gia tâm thần để tránh bị bỏ sót hoặc gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người bệnh và những người xung quanh.
Luôn tưởng tượng có người muốn hại mình
Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần ở nhiều thể khác nhau.
TS-BS Bùi Tiến Dũng, Phòng Đào tạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết rối loạn tâm thần thường được xác định bằng việc kết hợp từ cách cư xử, cảm nhận, nhận thức hoặc suy nghĩ của một người. Điều này có thể liên quan đến các vùng hoặc chức năng cụ thể của não, thường là trong bối cảnh xã hội. Rối loạn tâm thần là một khía cạnh của sức khỏe tâm thần.
Theo Viện Sức khỏe tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Bác sĩ Tiến Dũng từng điều trị cho một bệnh nhân nam đã có gia đình, là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từng du học và làm việc tại Pháp, Anh. Bệnh nhân này mắc bệnh tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng bị hại. Bệnh nhân luôn tưởng tượng có nhóm người ở một công ty công nghệ đa quốc gia cấu kết với người thân trong gia đình tìm cách đầu độc anh ta bằng nguồn nước. Từ sự hoang tưởng này, bệnh nhân không dám dùng nước máy, phải mua nước lọc ở siêu thị để sử dụng.
Sau gần 2 năm điều trị ở nhà không có tiến triển, nam bệnh nhân đến bệnh viện để thăm khám. Theo TS-BS Bùi Tiến Dũng, vấn đề hoang tưởng của bệnh nhân không thể giải thích được và chỉ có sử dụng thuốc chống loạn thần để kiểm soát sự hoang tưởng của người bệnh.
Trường hợp bệnh nhân nữ, 70 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt cách đây gần 40 năm sau cú sốc trong hôn nhân. Giai đoạn đầu khi chưa được điều trị bằng thuốc, tinh thần của bệnh nhân không ổn định, thường bỏ nhà đi lang thang, không quan tâm đến bất kỳ chuyện gì xung quanh, không biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt với bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, không trò chuyện với ai. Sau khi được bác sĩ khám, chỉ định điều trị bằng thuốc (uống đều đặn mỗi ngày), đến nay tình trạng của bệnh nhân có thuyên giảm.
Cũng theo bác sĩ Dũng, có những bệnh nhân sử dụng ma túy đá methamphetamine gây kích thích hệ thần kinh trung ương dẫn đến hưng phấn. Việc sử dụng ma túy đá quá liều dẫn đến tình trạng “ngáo đá”, gây hoang tưởng, ảo giác, không kiểm soát được hành vi và có thể gây hại cho những người xung quanh hoặc gây hại cho chính bản thân. Đây được xem là một dạng của rối loạn tâm thần nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm thần
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trầm cảm là loại rối loạn tâm thần rất phổ biến hiện nay. Biểu hiện của bệnh là bệnh nhân có cảm xúc, khí sắc buồn rầu, mất hết sở thích, giảm các hoạt động trước đây ưa thích như: mua sắm, vui chơi, giảm ham muốn tình dục, khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Thậm chí, có những người muốn tự sát hoặc tự gây thương tích cho bản thân để giảm căng thẳng tâm lý.
Dạng thứ hai là tâm thần phân liệt, đây là thể bệnh rất nặng, hầu hết khởi phát ở lứa tuổi trẻ, để lại hậu quả nặng nề, làm suy giảm, mất hết các chức năng, cảm xúc của người bệnh. Họ tỏ ra bàng quang với tất cả mọi vấn đề, mọi người xung quanh. Nếu xảy ra ở trẻ em, bệnh sẽ khiến em bé chậm phát triển, tăng động, chậm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ. Ở người lớn tuổi, bệnh làm sa sút trí tuệ, buồn chán, mệt mỏi, không muốn làm gì, đi đâu hoặc thực hiện những hành vi kỳ dị.
TS-BS Bùi Tiến Dũng cho hay, bệnh tâm thần phân liệt không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát nó. Người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc để chống loạn thần. Bên cạnh đó, người thân của người bệnh trong quá trình chung sống cần có sự chia sẻ, quan tâm, không tranh luận với họ, luôn động viên họ uống thuốc, điều trị phục hồi chức năng hoặc sử dụng các phương pháp điều trị chuyên biệt để dần dần giúp họ thay đổi và cải thiện cảm xúc theo hướng tích cực hơn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2019, rối loạn trầm cảm ảnh hưởng đến khoảng 264 triệu người trên thế giới; rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến khoảng 45 triệu người; sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người và tâm thần phân liệt, các chứng loạn thần khác ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người. Rối loạn phát triển thần kinh bao gồm: khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ thường phát sinh ở trẻ sơ sinh hoặc trong thời thơ ấu.
Để phòng ngừa các chứng rối loạn tâm thần, cần tăng cường tuyên truyền để người dân tránh xa các loại ma túy, hạn chế các loại rượu, bia - những tác nhân có thể gây chứng loạn thần. Ngoài ra, cần giảm các áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp để giảm gây ô nhiễm môi trường; hạn chế lo lắng thái quá. Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, cần chia sẻ với người thân hoặc những người có thể tin tưởng được để giải quyết vấn đề, không nên tự gây áp lực cho bản thân có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, cảm xúc…
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/hiem-hoa-tu-benh-roi-loan-tam-than-0a54a02/