Hi hữu: Người đàn ông được cấy ghép tay phụ nữ

Nam họa sĩ bị mất cả 2 tay trong một vụ tai nạn thương tâm sắp cầm lại được bút nhờ được ghép tay của một phụ nữ chết não.

Người đàn ông 45 tuổi, với ca ghép tay thành công đầu tiên ở New Delhi, được xuất viện vào ngày 7/3 tại Bệnh viện Sir Ganga Ram. Anh đã bị mất cả hai tay trong một vụ tai nạn tàu hỏa vào năm 2020. Xuất thân hoàn cảnh khó khăn, cuộc đời anh tưởng như lâm vào ngõ cụt.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra. Bàn tay của bà Meena Mehta, cựu Giám đốc hành chính của một trường học nổi tiếng ở Nam Delhi, người bị tuyên bố là chết não, đã được ghép cho người đàn ông 45 tuổi này. Trong suốt cuộc đời của mình, bà Mehta đã cam kết nội tạng của mình sẽ được sử dụng sau khi qua đời.

Thận, gan và giác mạc của bà đã thay đổi cuộc đời của 3 người khác. Đôi bàn tay của bà đã làm sống lại giấc mơ của người họa sĩ sau vụ tai nạn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự tận tâm của đội ngũ bác sĩ đã hoàn thành ca phẫu thuật ghép tay. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 giờ, bao gồm việc kết nối mọi động mạch, cơ, gân và dây thần kinh giữa bàn tay của người hiến và cánh tay của người nhận.

Được biết, phẫu thuật ghép tay là một thủ thuật rất phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn cao của các y, bác sĩ.

Trước đó, vào năm 2020, một ca phẫu thuật ghép tay đàn ông cho phụ nữ cũng từng khiến dư luận Ấn Độ xôn xao.

Một phụ nữ trẻ ở Ấn Độ bị mất cả hai tay trong một tai nạn xe buýt đã nhận được tay từ một người hiến tặng da sẫm màu.

Sau tai nạn năm 2016, cánh tay của Shreya Siddanagowder 18 tuổi ở Ấn Độ đã bị cắt cụt dưới khuỷu tay. Năm 2017, cô đã trải qua ca phẫu thuật cấy ghép kéo dài 13 giờ được thực hiện bởi đội ngũ 20 bác sĩ phẫu thuật và 16 bác sĩ gây mê.

Bàn tay cấy ghép của cô đến từ một người đàn ông 21 tuổi thiệt mạng sau tai nạn xe đạp. Trong một năm rưỡi tiếp theo, vật lý trị liệu đã cải thiện khả năng kiểm soát vận động của cánh tay và bàn tay của Siddanagowder. Nhưng điều đáng chú ý là cánh tay được ghép từ người đàn ông quá cố bất ngờ dần dần trở nên thon thả hơn so với thời điểm cấy ghép.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, có một sự thay đổi bất ngờ khác đó là da trên các chi mới của cô có màu sáng hơn, trong khi tay người đàn ông sẫm màu. Do đó, nó phù hợp hơn với màu da của Siddanagowder hơn.

Các bác sĩ điều trị cho Siddanagowder nghi ngờ rằng cơ thể cô sản xuất ít melanin hơn so với người hiến tặng, điều này có thể giải thích cho việc làm sáng phần tay mới của cô (melanin là sắc tố cho màu da).

Minh Hoa (t/h theo VTV, Dân Trí)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hi-huu-nguoi-dan-ong-duoc-cay-ghep-tay-phu-nu-a653460.html