Hết 'đau đầu' vì chuyện đặt địa điểm kinh doanh tại trụ sở, chi nhánh từ 10/10?

Điều bức xúc nhất nhất là quy định này chỉ 'đánh' vào doanh nghiệp làm ăn được (thì mới có khả năng phát triển hệ thống của mình sang tỉnh, thành phố khác), làm triệt tiêu động lực phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; nhưng vấn đề sẽ được giải quyết từ 10/10 tới đây.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp “dở khóc, dở cười” vì những khoản phạt cứ như “từ trên trời rơi xuống”. Năm trước, một công ty ở Bình Dương chuyên sản xuất đồ điện dân dụng bị phạt và chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì “địa điểm kinh doanh không đặt ở trụ sở, chi nhánh đã đăng ký”. Ban đầu, doanh nghiệp này đặt trụ sở tại một khu dân cư. Khi đi vào hoạt động, phát sinh ra vấn đề: Trong sản phẩm điện dân dụng có nhiều chi tiết nhựa, khi sản xuất ở trụ sở đã bị người dân phản ứng, và tiềm ẩn nguy cơ bị thanh tra môi trường “sờ gáy”.

Vì thế, Công ty rời bộ phận sản xuất chi tiết nhựa đến một địa điểm khác, ở một tỉnh kế bên. Khi cơ quan chức năng phát hiện ra tình trang “ăn một nơi, ấp một nơi” đã ra quyết định phạt 10 triệu đồng. Bởi lẽ, theo nghị định 78/2015/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, địa điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt tru sở, chi nhánh.

Không chỉ vậy, Công ty chuyên sản xuất đồ điện dân dụng nói trên thu xếp để chuyển trụ sở về nơi sản xuất nhằm “sửa sai”, thì trong thời gian thu xếp, Công ty vẫn không được khấu trừ thuế GTGT có giá trị hàng trăm triệu đồng đối với những chi phí liên quan tới địa điểm kinh doanh, theo Khoản 15 Điều 14 Thông tư 219 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng Những chi phí đó bao gồm:

- Chi phí thuê nhà, văn phòng để hoạt động kinh doanh

- Chi phí sửa chữa nhà, văn phòng

- Chi phí tiền điện nước

- Chi phí khác liên quan đến văn phòng

Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp đã bị đóng mã số thuế khi cơ quan thuế kiểm tra doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở hay chi nhánh đã đăng ký kinh doanh; hay không được đặt in hóa đơn nếu không hoạt động tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký.

Những quy định nói trên gây cản trở rất nhiều doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động thường có xu hướng mở rộng phạm vi kinh doanh hoặc mở rộng mô hình kinh doanh. Một trong những phương thức mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn đó là đặt thêm địa điểm sản xuất, kinh doanh ngoài tỉnh, thành phố mà mình đặt trụ sở, chi nhánh. Nhưng với quy định của Nghị định 78, muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh ở tỉnh nào, doanh nghiệp sẽ phải đặt thêm chi nhánh ở tỉnh đó, tạo ra bộ máy cồng kềnh và sự tốn kém không cần thiết.

Điều bức xúc nhất nhất là quy định này chỉ “đánh” vào doanh nghiệp làm ăn được (thì mới có khả năng phát triển hệ thống của mình sang tỉnh, thành phố khác), làm triệt tiêu động lực phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được giải quyết. Ngày 23 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 108 sửa đổi, bổ xung một số điều của Nghị định 78 gây “đau đầu” cho nhiều doanh nghiệp nói trên. Trong đó, không bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký địa điểm kinh doanh tại nơi có trụ sở, chi nhánh. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.

Tấn Trung

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/het-dau-dau-vi-chuyen-dat-dia-diem-kinh-doanh-tai-tru-so-chi-nhanh-tu-10-10--20180927041553431p0c77.htm