Hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-3 Dragon bước vào sản xuất 'nhanh chóng mặt'

Không lâu sau khi hé lộ thiết kế, nguyên mẫu thử nghiệm của hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-3 Dragon đã được sản xuất.

Hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-3 Dragon được kỳ vọng sẽ mang lại sức mạnh mới cho Quân đội Nga khi có tầm bắn xa và khả năng sống sót cao hơn những thế hệ cũ.

"Chúng tôi đã tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-3 Dragon để thử nghiệm", Giám đốc phụ trách cụm vũ khí, đạn dược và hóa chất đặc biệt của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec - ông Bekhan Ozdoev cho biết.

Ông Ozdoev bày tỏ sự tự hào khi nói về TOS-3: “Vũ khí đầy hứa hẹn trên khung gầm bánh xích này sẽ được trang bị bệ phóng mới. Điều đó sẽ cho phép tăng tầm bắn và sử dụng loại đạn mạnh mẽ hơn”.

Nếu như tầm bắn của TOS-1A Solntsepek là từ 6 đến 10 km, TOS-2 Tosochka được tuyên bố trong khoảng 16 đến 25 km, thì hiện tại vẫn chưa rõ thông số kỹ chiến thuật cụ thể đối với phiên bản TOS-3 Dragon mới nhất.

Vào đầu tháng 2 năm nay, Nhà máy Omsktransmash của Nga đã được cấp bằng sáng chế cho việc phát triển hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-3 Dragon, nó đã được nâng cấp lên thành tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp đích thực.

TOS-3 Dragon nhận kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề được xác định rõ là điểm yếu của các hệ thống phun lửa hạng nặng khác trên chiến trường, đặc biệt là TOS-1A Solntsepek cũng như TOS-2 Tosochka.

Mặc dù các hệ thống phun lửa hạng nặng này vẫn là vũ khí nguy hiểm, nhưng TOS-1A Solntsepek đã bị tiêu diệt rất nhiều, chủ yếu bằng máy bay không người lái FPV, cú đánh thường tỏ ra khá hiệu quả, đặc biệt khi phương tiện được nạp đầy đạn rocket.

Do tầm bắn quá ngắn và phát sinh nhiều khói nên vũ khí này rất dễ bị phát hiện, một chiếc máy bay không người lái sẽ ngay lập tức được điều động tới tuần tra khu vực nghi ngờ và thường lập tức phá hủy hệ thống TOS-1A.

Do những tổn thất lớn, binh sĩ Nga đã cố gắng bảo vệ TOS-1A Solntsepek bằng cách lắp hệ thống gây nhiễu chống UAV, nhưng thực tế đây là một giải pháp đã được sử dụng trên xe tăng T-80BVM và cho thấy hiệu quả chưa cao.

Do vậy việc tăng tầm bắn cho đạn, hạ thấp cơ số đạn mang theo để mang lại sự linh hoạt nhiều hơn được cho là giải pháp tối ưu nhằm giúp cho TOS-3 Dragon có khả năng sống sót cao hơn.

Thực tế cho thấy các hệ thống phun lửa hạng nặng hiếm khi bắn hết số đạn, thường chỉ phóng 3 hoặc 4 phát và phải lập tức thay đổi vị trí, bởi phản ứng đáp trả thường đến rất nhanh. Chính vì vậy, việc nhà sản xuất giảm cơ số đạn xuống còn 15 quả theo đánh giá là hợp lý.

Ngoài ra thiết kế module của giàn phóng còn giúp đơn giản hóa và tăng tốc độ nạp lại rất nhiều, khi có thể đưa cả cụm đạn rocket vào giàn phóng thay vì phải nạp từng quả một.

Đây là thay đổi nhỏ nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa, bởi thời gian thay đổi trạng thái chiến đấu trên chiến trường đôi khi mang ý nghĩa sống còn đối với kíp điều khiển.

Nhưng đó là tương lai, còn hiện tại nguyên mẫu TOS-3 Dragon sẽ phải trải qua nhiều bài kiểm tra khắc nghiệt và chưa có gì đảm bảo nó thực sự mạnh như nhà sản xuất giới thiệu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/he-thong-phun-lua-hang-nang-tos-3-dragon-buoc-vao-san-xuat-nhanh-chong-mat-post573734.antd