Hệ lụy từ 'sống ảo'

Việc mới đây nhóm 14 người ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bị xử phạt vi phạm hành chính do tập trung nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông, đã cho thấy 'sống ảo' đang lan tràn. Trong khi đó Facebook, TikTok… liên tiếp xuất hiện hình ảnh, clip về những hành vi dừng xe giữa đường chụp ảnh cưới, giăng hàng nhảy múa, nằm ngồi ngổn ngang tập yoga… gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, ngày 17/5, mạng xã hội xuất hiện bức ảnh nhóm hơn chục phụ nữ mặc đồ tập thể thao trải bạt giữa đường rồi nằm chụm chân, hướng đầu ra phía ngoài, trong lúc các phương tiện đang lưu thông (đoạn qua địa bàn thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Cũng ở huyện này còn xuất hiện clip gồm 6 phụ nữ mặc áo đỏ, quần đen trải thảm ra đường rồi thản nhiên tập thể dục để người khác quay clip.

Tại Ninh Gia (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cũng có một nhóm phụ nữ đỗ ôtô chiếm làn đường rồi dàn hàng nhảy múa, quay video, gây cản trở giao thông. Cùng ngày 17/5, một ôtô chở 4 người do một phụ nữ điều khiển đi vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt). Trên đường đi, người phụ nữ dừng ôtô để chụp ảnh, bật loa phát nhạc và thản nhiên nhảy múa trên đường.

Trước đó, mạng xã hội còn lan truyền clip đoàn xe sang rước dâu dừng giữa đường (địa bàn huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) để cô dâu, chú rể xuống quay phim, chụp ảnh, gây ùn tắc giao thông. Người quay clip rồi đăng lên mạng là một “Idol”, được cho là thực hiện hành vi nhằm đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi và tương tác trên các kênh bán hàng của mình.

Sau đó, “Idol” này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc bắt tạm giam về tội "gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

“Sống ảo” nhưng gây hậu quả thật. Hành vi coi thường kỷ cương, pháp luật nhưng nhiều người lại “ngây thơ” không biết. Việc phát tán trên không gian mạng tới nay đã không còn là hành vi đơn lẻ mà đã lây lan như một trào lưu kéo theo nhiều thành phần xã hội, đối tượng khác nhau. Không chỉ người trẻ mà cả người lớn tuổi, nhất là phụ nữ độ tuổi 50-60. Với họ, bất kể chỗ nào cũng có thể trở thành địa điểm để thể hiện. Kể cả việc kéo nhau nằm ra đường... tập Yoga để quay clip.

Việc chụp những bức ảnh đẹp, góc nhìn khác biệt để đăng trên trang cá nhân là rất phổ biến và cũng không có gì đáng bàn, nếu như không tụ tập nhảy múa giữa đường, gây phản cảm nơi công cộng, cản trở giao thông. Cùng với hành vi vi phạm pháp luật trật tự công cộng, an toàn giao thông thì sâu xa hơn còn là nền tảng văn hóa. Thật khó chấp nhận việc trèo lên nóc xe ôtô nhảy múa để chụp ảnh, lấy cớ là hoa bằng lăng mùa này đang quá đẹp (!).

Đã thế, nhiều người còn sử dụng trang phục “không giống ai”, cốt gây chú ý. Nhiều nhà xã hội học cho rằng, động lực để những người này “biểu diễn” là do “đói” nội dung đăng lên các nền tảng xã hội nhằm kiếm tiền từ lượt xem; hoặc đơn giản là do “nghiện sống ảo”.

Như đã nói, chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm là điều bình thường. Nhưng nếu đằng sau bức ảnh là một hành vi vi phạm pháp luật, thiếu tôn trọng cộng đồng thì rất gần với việc phản văn hóa.

Theo ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì “sống ảo” chỉ là một thuật ngữ thời thượng. Trên mạng xã hội cũng cần phải sống tử tế, ứng xử có văn hóa. Cũng như nhiều người, ông Chức ủng hộ việc cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các hành vi dàn hàng giữa đường chụp ảnh, đạp xe vào đường quốc lộ… “Ở góc độ là một công dân, tôi cho rằng chúng ta phải thượng tôn pháp luật, nếu không sẽ đem lại những hệ lụy khó lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng” - ông Chức nói.

Còn theo TS Nguyễn Đức Dũng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga Hà Nội, việc mạng xã hội xuất hiện nhiều clip đứng giữa đường tạo dáng chụp ảnh gây cản trở giao thông, mặc đồ tập không đúng quy định, tạo dáng phản cảm tại những địa điểm văn hóa, khu tâm linh... là điều hết sức tránh.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, trong tập luyện Yoga, với một người tập chân chính, việc đầu tiên là phải hiểu được triết lý Yoga và 8 bước trong con đường rèn luyện. Trong đó, 2 bước đầu tiên mà một người Yoga cần nắm được đó là sự tu dưỡng cá nhân và ứng xử, trách nhiệm với cộng đồng.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/he-luy-tu-song-ao-10280781.html