Hệ lụy của yêu vội, sống bản năng trong giới trẻ
Mới đây, vụ việc bé trai 6 tuổi bị cha ruột tạt nước sôi, hành hạ khiến bé bị bỏng nặng, nhập viện với nhiều vết thương nghiêm trọng đã khiến dư luận phẫn nộ. Đằng sau câu chuyện bạo hành, còn có một góc khuất khác cần quan tâm đến, đó là sự thiếu trách nhiệm trong việc yêu đương, sinh con của một bộ phận người trẻ.
Vì đâu nhiều người trẻ yêu nhanh, cưới vội, mang thai ngoài ý muốn?
Cha cháu bé sinh năm 2002, từ năm 16 tuổi đã sống chung với chị V. (tức mẹ cháu bé) như vợ chồng, năm 2018 thì bé K. ra đời. Đến năm 2021, cả hai đường ai nấy đi. Sau đó, người bố trẻ này tiếp tục kết hôn, sinh con với một người phụ nữ bằng tuổi mình. Mới đây, mẹ cháu K. giao lại bé cho cha cháu nuôi. Từ khi nuôi con, anh này liên tục có những hành vi bạo hành như bỏ đói, lấy gậy sắt đánh, đổ nước sôi vào người... bé. Theo người cha này nói, do quá nghèo không có tiền nên không đưa bé đi chữa trị, để vết thương con trai lở loét, nhiễm trùng.
Qua câu chuyện trên có thể thấy, trong thời đại mà sự tự do và cá nhân hóa được đề cao, một bộ phận không nhỏ người trẻ đang dễ dãi trong tình yêu và hôn nhân. Họ yêu nhanh, cưới vội, mang thai khi chưa sẵn sàng về cả tâm lý lẫn tinh thần trách nhiệm, để lại những hệ quả khôn lường cho cuộc đời của chính mình và thế hệ sau.
Hiện nay, không hiếm câu chuyện về những người trẻ tuổi mới chớm đôi mươi đã có gia đình, mang trên mình trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Họ thường bắt đầu mối quan hệ từ những cảm xúc bồng bột, nhanh chóng đi đến quyết định kết hôn chỉ sau vài tháng tìm hiểu. Nhiều bạn trẻ bước vào hôn nhân với một thái độ thiếu suy nghĩ, chưa chuẩn bị kỹ càng về kiến thức hôn nhân và nuôi dạy con cái. Điều này dẫn đến việc họ sớm đối mặt với các áp lực tâm lý, tài chính và nhiều áp lực khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người trẻ dễ dàng rơi vào những cuộc hôn nhân, yêu đương vội vàng và mang thai ngoài ý muốn. Một trong số đó sự thiếu hụt kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản. Trong nhiều trường hợp, những bạn trẻ không được giáo dục đầy đủ về việc sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc hiểu biết về trách nhiệm khi làm cha, làm mẹ. Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông cũng có tác động mạnh mẽ đến cách mà giới trẻ nhìn nhận về tình yêu và hôn nhân.
Hệ quả của lối sống bản năng
Hậu quả tất yếu của những cuộc hôn nhân vội vã thường là sự đổ vỡ. Khi tình yêu chóng vánh qua đi, những mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày nhanh chóng bộc lộ. Nhiều cặp đôi không thể vượt qua được những thách thức về tài chính, trách nhiệm nuôi dạy con cái, hoặc đơn giản là chưa đủ trưởng thành để đối mặt với các áp lực của cuộc sống gia đình. Họ hành động theo cảm xúc bản năng, dễ dàng chia tay, rồi nhanh chóng tìm đến những mối tình khác, lặp lại vòng xoáy yêu nhanh, cưới vội và lại đổ vỡ.
TAND tối cao thống kê, riêng năm 2022 cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30, xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống, xung đột và bất đồng quan điểm. Theo thống kê mới đây của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, 60% trường hợp người trẻ ly hôn sau 1 - 5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày mà giới chuyên môn gọi là "ly hôn xanh". Tại TP Hồ Chí Minh, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%. Trung bình mỗi tháng, TP Hồ Chí Minh có từ 80 - 100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện.
Yêu nhanh, cưới vội, mang thai ngoài ý muốn, không chỉ đời sống cá nhân của “người trong cuộc” bị ảnh hưởng, mà những đứa trẻ cũng gánh chịu nhiều tổn thương. Thiếu sự chăm sóc, giáo dục toàn diện từ cả cha lẫn mẹ, con trẻ thường rơi vào tình trạng bị bỏ bê hoặc ngược đãi. Nhiều bé phải lớn lên trong các gia đình không hoàn thiện, thiếu sự ổn định về tình cảm và vật chất. Điều này có thể gây ra những hậu quả về tâm lý, hành vi, khiến con đường tương lai của trẻ bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia xã hội học, mặc dù xã hội đã phát triển, vấn đề giáo dục giới tính đã có nhiều tiến bộ, nhưng đó đây vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển tâm, sinh lý của thanh, thiếu niên thế hệ ngày nay. Việc giáo dục giới tính cần được đẩy mạnh và phổ biến rộng rãi trong học đường, giúp các bạn trẻ nhận thức được trách nhiệm của mình trong tình yêu và hôn nhân.
Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, cha mẹ nên mở lòng hơn khi thảo luận về các vấn đề tình yêu, hôn nhân và giới tính với con, thay vì né tránh hoặc áp đặt. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tâm lý cho các cặp vợ chồng trẻ trước khi bước vào hôn nhân, giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm trong đời sống gia đình.