Hậu Giang phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường
Ngày 5/6, tại huyện Long Mỹ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ phát động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, ngày môi trường thế giới 5/6/2024 với chủ đề 'Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa'.
Đây là dịp để mọi người cùng nhau quyết tâm thay đổi nhận thức và hành động, chủ động khắc phục những hạn chế, tồn tại; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán; phục hồi đất bị suy thoái; thay thế từng bước việc sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Hậu Giang sẽ tập trung tuyên truyền triển khai và thi hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; các văn bản hướng dẫn về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung rà soát, điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm, bảo đảm các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định.
Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn.
Song song đó, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nghiên cứu thay đổi sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hạn mặn kéo dài, nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất.
Chủ động và tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và phân loại rác thải tại nguồn.
Thường xuyên thực hiện ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải.
Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các hội thi, hội nghị, tập huấn, truyền thông và các hành động thiết thực, hiệu quả. Triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán.
Tỉnh Hậu Giang là một trong các tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, biểu hiện hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Ngay trong mùa khô năm 2024 vừa qua, ước tính vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 90.000-110.000 ha.
Trong đó, huyện Long Mỹ là địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, xâm nhập mặn. Điều này gây tác động to lớn đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ngoài ra, việc sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng và bền vững cũng là một thách thức của Hậu Giang.