Hậu Giang: Phân ra 4 cụm để phát triển du lịch cộng đồng

Tổng kinh phí đầu tư phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Hậu Giang đến năm 2030 là 32,610 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 20,460 tỉ đồng, vốn huy động là 12,150 tỉ đồng.

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương với bảo vệ tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên văn hóa, tôn trọng những giá trị văn hóa bản địa, giá trị cộng đồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, quốc phòng.

Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ở Hậu Giang đang từng bước phát triển. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ở Hậu Giang đang từng bước phát triển. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Phát triển DLCĐ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Trong đó, người dân tại địa phương tham gia DLCĐ với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người thụ hưởng, vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách…

Phát triển DLCĐ đa dạng và bền vững các sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống…

Mục tiêu đến năm 2025: Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 3 mô hình thí điểm tại TP Vị Thanh, huyện Châu Thành A và TP Ngã Bảy; tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ hiện có.

Đến năm 2030: Tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm DLCĐ tại huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ khác, đặc biệt là các điểm DLCĐ theo kế hoạch đăng ký của cấp huyện.

Tập trung phát triển các mô hình DLCĐ kết hợp với: Du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; Du lịch nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm; Du lịch ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng. Quảng bá rộng rãi các sản phẩm DLCĐ của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch (du lịch thông minh).

Nâng cấp tổng thể cơ sở vật chất, các dịch vụ gia tăng kèm theo và kéo dài thời gian lưu trú; thúc đẩy chi tiêu của du khách khi sử dụng các sản phẩm DLCĐ tại tỉnh, hình thành các công ty có điều kiện phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho người lao động tại các điểm DLCĐ, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch.

Việc phân cụm du lịch ở Hậu Giang được xác định trên 2 yếu tố chính là thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý và tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Việc phân cụm du lịch ở Hậu Giang được xác định trên 2 yếu tố chính là thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý và tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Định hướng sản phẩm DLCĐ: Dựa trên các thế mạnh đặc trưng của tỉnh, cùng với các xu hướng thị trường hiện tại, Hậu Giang có thể định hướng các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp, gắn với cộng đồng như: Sản phẩm DLCĐ gắn với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng nổi bật; sản phẩm DLCĐ gắn với sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, làng nghề truyền thống; sản phẩm DLCĐ gắn với ẩm thực đặc trưng; sản phẩm DLCĐ gắn với du lịch tâm linh.Về không gian phát triển du lịch: Việc phân cụm du lịch được xác định trên 2 yếu tố chính là thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý và tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch. Từ đó, có thể chia DLCĐ Hậu Giang thành 4 cụm: TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy; thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ; huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy.

Tổng kinh phí đầu tư phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh là 32,610 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 20,460 tỉ đồng, vốn huy động là 12,150 tỉ đồng.

TÂM QUÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-lich-xanh/hau-giang-phan-ra-4-cum-de-phat-trien-du-lich-cong-dong-20231114151255395.htm