Hành trình thoát hiểm của TPBank tại Eco Green Tower
Cuối tháng 6, TPBank sẽ tiến hành phát mại tại sản thế chấp để thu hồi số vốn còn lại tại Dự án Eco Green Tower, kết thúc hành trình đeo đẳng với dự án nhiều trắc trở này.
Phát mại tài sản thế chấp
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng cấp vốn và bảo lãnh cho Dự án Eco Green Tower (còn có tên khác là Viễn Đông Star, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Sông Đà 1.01.
Một số thông tin cho biết, dự án này đã được chuyển nhượng sang chủ đầu tư khác là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bất động sản Bình Minh. Tuy nhiên theo trao đổi với phóng viên TBTCO mới đây, đại diện TPBank phủ nhận việc này và cho biết, dự án không đổi chủ đầu tư (chủ đầu tư vẫn là Sông Đà 1.01), mà dự án chỉ đổi tên thương mại và đến nay dự án này cơ bản cũng đã hoàn thành.
Dự án Eco Green Tower bắt đầu triển khai từ năm 2015 và quan hệ vay nợ của Sông Đà 1.01 với TPBank bắt đầu phát sinh từ năm 2016. Cụ thể, ngày 14/5/2016, Sông Đà 1.01 và TPBank ký hợp đồng vốn kỳ hạn 4 năm, lãi suất 10,5% để bổ sung vốn cho Dự án Eco Green Tower. Đến 30/6/2016, dư nợ của TPBank đối với Sông Đà 1.01 là 33,2 tỷ đồng.
Trong 2 năm liên tiếp từ 2016 và 2017, TPBank tiếp tục gia tăng vốn cho vay đối với Sông Đà 1.01 với dư nợ vào thời điểm cuối năm 2016 là gần 95 tỷ đồng; đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay ngắn hạn của TPBank là 48,5 tỷ đồng và dài hạn là 113,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của Sông Đà 1.01 bắt đầu bộc lộ những khó khăn từ giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Dự án Eco Green Tower theo kế hoạch phải bàn giao cho khách hàng vào quý I/2018 nhưng không thực hiện được do việc bán các căn hộ rất chậm.
Trong khi đó, năng lực tài chính của Sông Đà 1.01 ngày một suy yếu. Nợ phải trả của Sông Đà 1.01 vốn đã ở mức cao từ thời điểm đầu năm 2017, tiếp tục tăng vọt trong năm 2017. Cụ thể đầu năm 2017, nợ phải trả của công ty này là 992,5 tỷ đồng, cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu. Cuối năm 2017, nợ phải trả tăng lên mức 1.328 tỷ đồng, cao gấp 13,4 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017, Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam cũng nêu ý kiến ngoại trừ và cho biết, công ty chưa đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi công nợ phải thu đã tồn đọng lâu ngày để xem xét trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi. “Chúng tôi không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như không thể thực hiện được thủ tục thay thế để đánh đánh giá giá trị dự phòng cần trích lập”, ý kiến kiểm toán nêu.
3 năm không có báo cáo kiểm toán
Báo cáo tài chính năm 2017 cũng chính là báo cáo tài chính năm có kiểm toán gần đây nhất của Sông Đà 1.01. 3 năm liên tiếp sau đó (2018, 2019 và 2020), Sông Đà 1.01 không nộp báo cáo tài chính kiểm toán và đây cũng là lý do khiến cho cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội yêu cầu hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 24/6/2021.
Mặc dù không nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong nhiều năm, nhưng Sông Đà 1.01 vẫn công bố các báo cáo tài chính hàng quý (công ty tự lập, không có kiểm toán). Theo số liệu tại các báo cáo tài chính tự lập này, dư nợ của TPBank tính đến cuối năm 2018 là 21 tỷ (ngắn hạn) và 113,4 tỷ (dài hạn). Đến cuối năm 2019, dư nợ của TPBank đã giảm mạnh chỉ còn 34,5 tỷ đồng vay dài hạn và không còn dư nợ vay ngắn hạn; đến cuối quý I/2021 thì khoản 34,5 tỷ đồng chuyển sang ghi nhận ở khoản mục vay ngắn hạn.
Đến thời điểm hiện nay, theo trao đổi của TPBank thì dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên TBTCO, có những thủ tục pháp lý liên quan cũng chưa hoàn thiện hoàn toàn (chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy). Tuy nhiên, đại diện TPBank cho biết việc đó là việc của chủ đầu tư, không liên quan đến ngân hàng.
Về phía TPBank, với tiến độ sắp thực hiện việc phát mại tài sản vào cuối tháng 6 và nếu mọi việc xuôi chèo mát mái và thu hồi lại số nợ còn lại tại Sông Đà 1.01, ngân hàng này có thể khép lại một hành trình nhiều biến cố dai dẳng nhiều năm với Sông Đà 1.01 nói chung và Dự án Eco Green Tower nói riêng./.