Hành trình của một người thầy: Những câu chuyện phía sau bục giảng
Ở một góc nhỏ yên bình của huyện Đan Phượng, Hà Nội, có một người thầy lặng lẽ cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Cô giáo Đặng Thị Minh Nguyệt, giáo viên môn Ngữ Văn tại Trường THPT Đan Phượng, là biểu tượng của sự tâm huyết, sáng tạo và tấm lòng tận tâm, tận tụy với Giáo dục. Phía sau những thành tựu mà cô đạt được là cả một hành trình đầy cảm xúc, chạm đến trái tim của biết bao thế hệ học trò.
Hơn ba mươi năm đứng lớp, cô Nguyệt đã trở thành người dìu dắt bao thế hệ học sinh, trong đó không ít em đã làm rạng danh nhà trường ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia. Thành tích của cô không chỉ gói gọn trong những tấm bằng khen hay giải thưởng danh giá như “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” năm 2018, mà còn là niềm tự hào khi nhìn thấy học trò của mình từng bước trưởng thành. Từ “cá biệt” hóa “đặc biệt”, từ “bất trị” trở nên ý thức, trách nhiệm, từ chưa “thành danh” nhưng trước tiên cũng đã “thành nhân”.
Trong một bài phỏng vấn sau khi nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”, cô bộc bạch: “Giải thưởng quan trọng nhất là sự chứng nhận trong trái tim và sự trưởng thành của bao thế hệ học trò.” Cô không quá vui hay quá tự hào về giải thưởng mình nhận được. Với cô, giải thưởng không phải đích đến, cũng chẳng phải phương tiện để khẳng định bản thân, mà chỉ đơn giản là một sự ghi nhận trong hành trình làm nghề. Cuộc sống thì không có điểm dừng, và giải thưởng này, dù ý nghĩa, vẫn chỉ là một chấm nhỏ. “Giải thưởng này khá nhiều người được nhận chứ không phải chỉ riêng mình”, cô chia sẻ một cách khiêm tốn. Nếu chỉ dựa vào các danh hiệu, bằng cấp hay chứng chỉ để đánh giá một con người, thì có thể sẽ không công bằng và thiếu chính xác.
Cô Nguyệt tâm sự: “Nghĩ về người thầy tôi nghĩ đến những con tằm chỉ ăn lá dâu xanh, cần mẫn, thầm lặng, rồi rút ruột nhả tơ vàng óng cho đời. Quê tôi xưa trồng dâu, gia đình tôi từng ươm tơ nên tôi hiểu rõ công việc đó. Tôi hiểu sự chăm chỉ, khéo léo, tinh tế của người dệt lụa. Nhưng trên hết vẫn là lòng cảm phục, yêu quý, biết ơn “những con tằm rút ruột nhả tơ!” Với học trò, cô tâm niệm: “Mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài, chỉ cần tìm đúng cách để khơi dậy tiềm năng của chúng.” Với cô, không có học sinh cá biệt, chỉ có những em cần được yêu thương và thấu hiểu hơn.
Trong suốt hành trình 30 năm đứng lớp, cô Nguyệt đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc của nghề giáo. Cô thấy vui, bởi được sống trọn với môn Văn, nghĩa là được đồng hành cùng những giọt mồ hôi và nước mắt của biết bao số phận lao khổ trong từng trang viết. Được sống với những bông hoa nở mùa xuân, những cơn mưa mùa hạ, những làn nắng mùa thu, những trái ngọt mùa đông. Được thân tại bục giảng mà tâm vi vu bay bổng khắp mọi miền đất, phương trời. Được sống cuộc đời của biết bao con người phong phú, tinh tế và sâu sắc. Được thưởng thức Cái Đẹp long lanh trong một thứ ánh sáng kì diệu khác … Nhưng cô cũng thấy mệt. Vì những đêm dài thức khuya soạn giáo án, những chồng bài tập cần chấm, hay những lớp học đông đúc mà mong muốn lời giảng phải vang đến tận hàng ghế cuối những năm chưa có máy trợ giảng. Đôi khi, cô thấy buồn. Buồn từ những tâm sự riêng mà học trò tin tưởng sẻ chia. Buồn vì đôi khi tự hỏi: “Những điều mình vừa giảng/ lẽ nào thành hạt phấn bay?” Có lúc, cô còn thấy xót – xót cho thầy cô giáo của mình, xót cho chính bản thân mình và xót cho cả những điều mà cô còn canh cánh, trăn trở. Thế nhưng, chính những cảm xúc ấy đã làm đầy thêm hành trình của cô. Bởi nếu không có niềm vui, làm sao cô yêu nghề đến vậy? Nếu không trải qua mệt mỏi và buồn xót, làm sao cô đủ bản lĩnh để đứng vững trên bục giảng, dìu dắt biết bao thế hệ học trò trưởng thành?
Giờ học Văn của cô Nguyệt không chỉ đơn giản là những dòng chữ trong sách giáo khoa. Cô mang đến lớp học những bài hát từ các tác phẩm, những bức ảnh cô tự chụp, hay những đoạn phim lồng ghép khéo léo để minh họa bài giảng. Cách dạy của cô là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, là sự khích lệ học sinh đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Cô Nguyệt luôn lắng nghe suy nghĩ, cảm nhận của học trò, định hướng để các em tự do phát triển tư duy và cách diễn đạt của mình. Sự đổi mới ấy không chỉ khiến môn Văn trở nên sống động mà còn giúp học sinh nhận ra giá trị của Cái Đẹp trong mỗi tác phẩm văn chương.
Không chỉ là một người thầy tận tụy trên bục giảng, cô Nguyệt còn là người truyền cảm hứng trong cộng đồng. Những ngày cuối tuần, cô dành thời gian làm từ thiện cho bệnh nhân ở bệnh viện K. Không dừng lại ở đó, cô còn khởi xướng và hướng dẫn học sinh thực hiện dự án “Thu gom rác thải điện tử” – một dự án tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ môi trường. Cô không chỉ dạy trò cách thu gom những viên pin đã qua sử dụng, mà còn giúp các em hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm với hành tinh – mái nhà chung của nhân loại. Những việc làm lặng lẽ mà ý nghĩa ấy tựa như ngọn lửa sưởi ấm và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Trong từng hành động giản dị của cô, học trò học được bài học quý giá về lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm. Chính cô đã dạy các em, không chỉ bằng lời nói, mà bằng chính cách cô sống – một cuộc đời bình thường gieo những điều tử tế.
Trong suốt hành trình hơn ba mươi năm, cô Nguyệt luôn nhớ về những người thầy của mình – những người đã từng cần mẫn, hy sinh để truyền cảm hứng cho cô. “Thầy làm được, mình cũng phải làm được” cô tự nhủ mỗi khi gặp khó khăn. Với cô, nghề giáo không phải là một con đường dễ dàng, nhưng lại là con đường ý nghĩa. “Và nghề này có nặng không? Thưa có. Vì khi mình được nhận nhiều trái tim như thế, là mình biết mình còn phải tiếp tục xứng đáng với những trái tim.” Những điều xuất phát từ trái tim thì điểm tới cũng sẽ là trái tim.
Trong hành trình dài đầy thử thách và cảm xúc, cô giáo Đặng Thị Minh Nguyệt không chỉ là một người thầy, mà còn là một người truyền cảm hứng, một người gieo những hạt giống tri thức và tình yêu thương vào tâm hồn học trò. Ánh sáng từ bục giảng của cô không chỉ soi rọi hôm nay, mà còn lan tỏa đến mai sau, nơi những thế hệ học sinh của cô sẽ tiếp tục tỏa sáng.