Hành trình 70 năm chèo lái con thuyến Hoàng gia Anh của Nữ hoàng Elizabeth II và Chiến dịch cầu London

Cả thế giới ngày 9/9 bày tỏ sự tiếc thương trước thông tin Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Vương quốc Anh băng hà, khép lại cuộc đời của một vị quân vương hết lòng phụng sự đất nước, cho đến những ngày cuối cùng. Sự ra đi của bà để lại những khoảng trống lớn trong lòng mỗi người dân Anh và trên thế giới.

LỜI HỨA SẮT SON

Năm 1952…

Tôi tuyên bố trước tất cả mọi người rằng, toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ dành để phụng sự đất nước và phụng sự Hoàng gia vĩ đại.

Một lời hứa sắt son đã được đưa ra cách đây đúng 70 năm. Khi đó, Nữ hoàng 26 tuổi. 70 năm trôi qua, lời hứa đó vẫn được bà giữ gìn.

15 đời Thủ tướng Anh đã được bà bổ nhiệm.

Hàng trăm thượng khách từ các nước đến, bà đều ở đó tiếp đón. Nữ hoàng luôn tận tụy thực hiện nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia của một cường quốc châu Âu chuyển mình theo biến động của thời đại.

Bà đã đến thăm hơn 100 quốc gia, chạm đến cuộc sống của hàng triệu triệu người trên thế giới.

Bà vẫn luôn ở đó, khi Hoàng gia và người dân cần một điểm tựa tinh thần giữa các biến cố. Đối với hàng triệu người dân Anh từ trước tới nay, Nữ hoàng là một sự hiện diện đáng yên tâm.

2 ngày trước, dù ốm mệt, Nữ hoàng vẫn hoàn thành trách nhiệm của mình khi bổ nhiệm bà Liz Truss trở thành tân Thủ tướng. Bà vẫn nỗ lực “phụng sự đất nước và phụng sự Hoàng gia vĩ đại”. Cho đến hơi thở cuối cùng.

KHÉP LẠI 7 THẬP KỶ TRỊ VÌ…

Đối với nhiều người dân Anh, Nữ hoàng Elizabeth II là vị quân vương duy nhất mà họ biết… Một hình ảnh duy nhất không hề thay đổi trên những con tem, tiền giấy và tiền xu trong nhiều năm. Một sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ, một dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử đất nước

Hôm nay ngày 9/9, khép lại 7 thập kỷ trị vì của Nữ hoàng. Trách nhiệm cuối cùng bà đã hoàn thành ở Balmoral, đánh dấu sự khởi đầu của một chính phủ mới tại Vương quốc Anh.

Thủ tướng Anh LIZ TRUSS: "Nữ hoàng Elizabeth II là hòn đá tảng đặt nền móng xây dựng nước Anh hiện đại. Nữ hoàng đã cho chúng ta sự ổn định và sức mạnh mà chúng ta cần. Bà là điểm tựa tinh thần của Vương quốc Anh, và điểm tựa đó sẽ trường tồn mãi".

Và khi thời đại Elizabeth II qua đi, chúng ta mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử hào hùng của đất nước, đúng như những gì Nữ hoàng luôn mong muốn.

NGƯỜI CHÈO LÁI CON THUYỀN HOÀNG GIA VƯỢT SÓNG GIÓ

7 thập kỷ trị vì đất nước của Nữ hoàng Elizabeth II đã khép lại, nhưng nhắc về bà, người ta sẽ luôn nhớ tới một dáng hình nhỏ nhắn, mặc trang phục rực rỡ, đeo vòng cổ ngọc trai, găng tay và túi xách. Một hình ảnh đầy lạc quan, như cách bà luôn đưa ra những thông điệp tích cực, đáng tin cậy và tăng uy tín cho Hoàng gia, khi một mình đưa con thuyền Hoàng gia đến gần hơn với công chúng, rồi bước qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sóng gió.

Là một nhân vật uy nghiêm, đáng tin cậy, Nữ hoàng Elizabeth II đã chèo lái thể chế quân chủ vào thời kỳ hiện đại thông qua việc làm cho thể chế này cởi mở hơn và dễ tiếp cận hơn. Ngay từ Lễ đăng quang năm 1953, với quyết định truyền hình trực tiếp lần đầu tiên cho dân chúng xem, bà đã bước những bước đầu tiên đưa vương triều trở nên gần gũi với người dân Anh.

Kể từ đó, nhiều sự kiện, hoạt động của Hoàng gia Anh cũng được truyền hình trực tiếp, như sự kiện đám cưới lộng lẫy của Thái tử Charles với Công nương Diana Spencer vào năm 1981. Những sự kiện truyền hình trực tiếp đó đã tạo nên một sức sống mới cho Hoàng gia, mở ra những năm tháng đầy hứng khởi trong thời đại mới.

Thế nhưng, việc đưa Hoàng gia đến gần với dân chúng cũng khiến những sóng gió gia đình bà gặp phải bị “phóng đại” trong con mắt của người dân, trở thành những bê bối nghiêm trọng. Từ sự việc rúng động Hoàng gia và khiến Nữ hoàng bị chỉ trích sau cái chết của Công nương Diana trong tai nạn ô tô ở Paris tháng 8/1997, cho đến gần đây là sự chia rẽ công khai giữa Công tước và Nữ công tước xứ Sussex (Harry và Meghan) và phần còn lại của Hoàng gia. Trong tất cả mọi trường hợp, Nữ hoàng đã chịu trách nhiệm cố gắng xoa dịu cơn bão truyền thông, đưa ra những giải pháp phù hợp, như tước đi tước vị của Harry và Meghan. Mức độ điềm tĩnh của Nữ hoàng Elizabeth II là một điểm tựa lớn để Hoàng gia Anh vượt qua những thử thách và trách nhiệm với công chúng.

Bà WENDY NAUGLE - Tổng biên tập Tạp chí People: "Mọi người nhìn Nữ hoàng như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, bà đã luôn thể hiện phong cách riêng của mình, luôn giữ bình tĩnh và bước tiếp bất kể Hoàng gia phải đối mặt với điều gì".

Khi nói đến các vụ bê bối, có thể thấy Nữ hoàng luôn hành động với danh tiếng của Hoàng gia được đặt lên trên hết, và không có thành viên nào trong gia đình quan trọng hơn. Dù Hoàng gia Anh đôi khi không đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng thì bản thân Nữ hoàng vẫn luôn là một biểu tượng của sự ổn định. Đối với người dân Anh, Nữ hoàng chính là tượng trưng cho sự kiên cường.

“CHIẾN DỊCH CẦU LONDON”

Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II có thể khiến nhiều người cảm thấy đột ngột. Tuy vậy, mọi chi tiết của hai tuần tiếp theo sau khi Nữ hoàng qua đời đã được lên kế hoạch và diễn tập tỉ mỉ, thậm chí còn được chính Nữ hoàng thông qua. Một kế hoạch mang tên “Chiến dịch Cầu London” đã được xây dựng cả thập kỷ qua, và đã chính thức được khởi động hôm nay để chuẩn bị tổ chức quốc tang và lễ đăng quang Quốc vương của Thái tử Charles.

“Chiến dịch Cầu London” là tên kế hoạch được nước Anh xây dựng suốt nhiều thập kỷ để chuẩn bị cho kịch bản Nữ hoàng Anh qua đời. Nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ điều gì sẽ xảy ra với thi thể Nữ hoàng, cho đến cách thức tang lễ được tổ chức hay truyền thông sẽ phản ứng ra sao…

Theo “Chiến dịch Cầu London”, trong thời gian 10 ngày cả nước để quốc tang, quan tài của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được quàn tại Tu viện Westminster. Công chúng có thể tới viếng và bày tỏ lòng thành kính 23 giờ mỗi ngày. Sau đó, tang lễ cấp quốc gia được tiến hành, do Tổng giám mục Canterbury phụ trách.

Tổng Giám mục Canterbury JUSTIN WELBY: "Chúng tôi sẽ không giấu diễm những đau buồn, lo lắng, hay cảm giác mất an toàn khi mất đi điểm tựa là Nữ hoàng. Chúng tôi sẽ không giả vờ rằng đây không phải là một thử thách với tất cả mọi người. Nhưng như Nữ hoàng đã cho chúng ta thấy, người dân Anh hãy mang theo nỗi đau đó, những hãy sẵn sàng đón nhận những hy vọng cho tương lai".

Vào ngày thứ 9 sau khi Nữ hoàng qua đời, lễ tang sẽ được tổ chức tại Tu viện Westminster. Lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia từ Khối thịnh vượng chung và các nước khác sẽ tham dự. Sẽ có 41 phát đại bác tiễn biệt Nữ hoàng được bắn từ Công viên Hyde.

Nữ hoàng sẽ được an táng trong lăng mộ tại Nhà nguyện St George trong khuôn viên Lâu đài Windsor, bên cạnh 10 quân vương trước đây của Anh.

Hôm 09/9, một ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, Hội đồng Đăng cơ sẽ họp tại Cung điện St James và Thái tử Charles sẽ được tấn phong Quốc vương. Sau đó, Quốc hội Anh sẽ họp để tuyên thệ trung thành với nhà vua mới.

Nữ công tước xứ Cornwall, phu nhân Thái tử Charles, sẽ chính thức trở thành Vương hậu. Hoàng tử William, với tư cách người thừa kế ngai vàng, sẽ được nhận tước hiệu mới là Thái tử xứ Wales.

Lên ngôi ở tuổi 73, Thái tử Charles sẽ trở thành người cao tuổi nhất lên ngôi trong lịch sử 1.000 năm qua của Vương quốc Anh. Không rõ chính thức khi nào sẽ diễn ra buổi lễ đăng quang của Quốc vương, vì cần có nhiều sự chuẩn bị./.

Thực hiện : Hồng Nhung Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hanh-trinh-70-nam-cheo-lai-con-thuyen-hoang-gia-anh-cua-nu-hoang-elizabeth-ii-va-chien-dich-cau-london