Hàng rào bảo hộ không giúp phim Việt lớn mạnh
Tại hội thảo góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức hồi cuối tháng 8, một số người lo ngại phim Việt Nam đang dần mất chỗ đứng ngay trên sân nhà.
Những người này cho rằng khi ký kết hiệp định trong khuôn khổ WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), Việt Nam đã bỏ qua cơ hội xây dựng hàng rào kỹ thuật cần thiết đối với phim ngoại, khiến phim ngoại ồ ạt tràn vào thị trường nội địa. Và họ lo sợ nếu tiếp tục để thị trường tự do điều chỉnh thì nguy cơ điện ảnh trong nước bị “nô dịch” trong vài năm nữa sẽ rất cao.
Từ đó, một số đề xuất được đưa ra nhằm bảo hộ phim Việt, như tăng thuế nhập khẩu đối với phim ngoại; ràng buộc các công ty nước ngoài phải đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam (hoặc phát hành phim Việt Nam) căn cứ trên tỷ lệ họ nhập phim ngoại; các phòng chiếu cũng phải chiếu phim Việt Nam theo quy định trong chiến lược phát triển điện ảnh...
Có thể hiểu được phần nào những mối lo lắng như trên nếu nhìn vào số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tính đến cuối năm 2018, số lượng phòng chiếu phim của các công ty liên doanh với nước ngoài chiếm khoảng 60% trong tổng số 930 phòng chiếu trên cả nước.
Trong năm ngoái, số lượng phim nước ngoài nhập khẩu là 234 phim trong khi chỉ có gần 40 phim Việt Nam được chiếu. Tuy nhiên, khó có thể nói cứ giăng hàng rào bảo hộ là phim Việt có thể giữ được chỗ đứng trên sân nhà.
Bởi xét về chất lượng, phim Việt chưa đáp ứng nhu cầu khán giả khi tỷ lệ phim thành công và hòa vốn chỉ khoảng một phần ba, còn lại là lỗ vốn. Cũng không khó để nhìn thấy sự hoạt động không hiệu quả của các hãng sản xuất phim. Con số thống kê đến cuối năm 2018 cho biết cả nước có tới 500 hãng phim nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 20-30 hãng duy trì việc sản xuất phim đều đặn, còn lại là trong tư thế “ngồi chơi xơi nước”(1). Trong tình hình như vậy mà vẫn giữ tư duy bảo hộ thì có thể đó sẽ là con dao hai lưỡi: dễ lặp lại tình trạng các hãng phim không chịu lớn, do cứ bé nhỏ thì mãi được bảo hộ!
Ở góc độ của các doanh nghiệp nhập khẩu, phát hành phim, họ phải tính toán, đo lường từng li sở thích, thị hiếu khán giả để ưu tiên chiếu phim ăn khách sao cho bán được nhiều vé. Không thể dùng những mệnh lệnh phi thị trường để ép các doanh nghiệp này hạn chế nhập phim ngoại, tăng giờ chiếu phim nội.
Bởi cho dù điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có sự tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ làm “cứu tinh” cho các rạp phim. Và như trên đã đề cập, một phân khúc sản xuất ì ạch, chưa đủ sức chinh phục khán giả lại được bảo hộ cho làm chủ thị trường thì e rằng các doanh nghiệp phát hành phim khó có thể tồn tại.
Thiết tưởng thay vì nghĩ chuyện bảo hộ, ngành văn hóa cần có những chính sách thúc đẩy lĩnh vực điện ảnh trong nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Không đâu xa, hãy nhìn sang Hàn Quốc, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, họ đã thực hiện cải tổ điện ảnh toàn diện bằng cách đưa hơn 300 người trẻ sang Mỹ để được đào tạo về điện ảnh. Nguồn ngân sách dành cho phát triển ngành công nghiệp giải trí cũng liên tục gia tăng, nếu như năm 1999 chỉ là 8,5 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2003 đã lên tới 43,5 tỉ đô la.
Nhìn lại Việt Nam, dường như vị trí của điện ảnh vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước. Nhiều nhà làm phim độc lập đang phải kêu gọi góp vốn từ các quỹ nước ngoài, thậm chí từ cộng đồng mạng để làm phim, đó là chưa nói đến chuyện phim của họ không được các hệ thống rạp tiếp nhận để phân phối tới khán giả. Ngoài ra, thủ tục đặt hàng phim của Nhà nước vẫn rất rườm rà, phức tạp; kinh phí đặt hàng phim muốn được thông qua đều phải được Bộ Tài Chính duyệt kịch bản(2)...
Nếu không chịu thay đổi, từ tư duy cho đến cơ chế, chính sách, e rằng trong một thời gian dài nữa phim Việt Nam vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng.
(1) https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/luat-dien-anh-sua-doi-go-loat-van-de-bat-cap-de-thuc-day-dien-anh-viet-phat-trien-n20190824015515551.htm
(2) https://tuoitre.vn/bao-ho-phim-viet-van-khong-co-khan-gia-thi-sao-20180504192159881.htm?fbclid=IwAR2xnzWWfzwTANzlDDuaC9L8cwlCBOv185rvtJOZDXCnpyaMNHP_q9adHiQ
Đăng Nam