Hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Trong giai đoạn nước rút cho thực hiện kế hoạch cả năm, rất nhiều doanh nghiệp đang bày tỏ, kế hoạch kinh doanh khó đạt mục tiêu như kỳ vọng; sức ép về doanh số, nguồn thu để trả nợ ngân hàng, lương, thưởng cho lao động và tái đầu tư, nâng cấp doanh nghiệp đang rất căng thẳng.

Bánh trung thu được bày bán tại Trung tâm MM Mega Market Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Bánh trung thu được bày bán tại Trung tâm MM Mega Market Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Họ đang tính toán, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp với diễn biến thị trường, nhắm tới việc nỗ lực duy trì nhịp hoạt động và tính ổn định của đội ngũ nhân sự sau một thời gian khó khăn và bấp bênh khi chưa hoàn toàn phục hồi kể từ đại dịch COVID-19.

Bà Phạm Thị Nguyệt, đại diện thương hiệu Bánh Lâm Bon cho hay, doanh nghiệp đã có hơn 12 năm xuất hiện trên thị trường và gặp không ít sóng gió, thách thức nhưng đây là giai đoạn khó khăn nhất từng trải qua. Do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm sút và công ty thường xuyên rơi vào tình trạng bị động, khó có kế hoạch sản xuất ổn định, lâu dài. Từ đó tới nay, dù doanh nghiệp đã rất nỗ lực kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng sản phẩm và trình độ của nhân công lao động, đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc nhưng chưa thấy rõ được hiệu quả kinh doanh. Mùa bánh Trung Thu đang tới gần, doanh nghiệp đang "đôn đáo" chuẩn bị hàng hóa, nguyên vật liệu và tài chính để hoàn thành sớm tiến độ giao hàng như hợp đồng đã ký với các đối tác lớn như Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng BIDV và nhiều đơn vị khác. Tuy nhiên, sau đó Lâm Bon sẽ triển khai ngay kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp. Với đội ngũ hơn 30 thợ làm bánh như hiện tại và thị trường chưa có nhiều triển vọng được mở rộng trong năm nay, đây sẽ là những áp lực rất lớn để doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Trước mắt, Lâm Bon sẽ triển khai ngay việc số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng, quy trình sản xuất để tối ưu chi phí; đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể thay vì sử dụng các phần mềm công nghệ riêng lẻ, không có khả năng tích hợp và kết nối đang gây rất nhiều vướng mắc, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, thay vì việc cơ cấu lại bộ máy, cắt giảm quỹ lương hoặc tinh giảm nhân công lao động, Lâm Bon sẽ mở rộng thị trường, phát triển thêm các kênh bán hàng; đặc biệt thúc đẩy việc marketing qua internet hoặc các nền tảng mạng xã hội để gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, thúc đẩy doanh số bán và kỳ vọng, cuối năm, hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc hơn, bà Nguyệt chia sẻ. Kỳ vọng rằng, với việc tái cơ cấu lại hoạt động, Lâm Bon sẽ còn 3 tháng cuối năm để lấy lại đà tăng trưởng trước đây, qua đó sẽ hoàn thành mục tiêu năm đã đề ra

Trong nhóm dịch vụ bất động sản, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho hay, để khắc phục khó khăn khi thị trường bất động sản “xuống dốc”, Công ty đã chủ động, xây dựng kịch bản ứng phó và lan tỏa xuống toàn bộ nhân viên để cùng đoàn kết thực hiện. Theo đó, từ nay tới cuối năm, Asian Holding sẽ tập trung tăng cường đào tạo để cân bằng, giữ năng lượng và tinh thần tích cực cho nhân viên; áp dụng công nghệ để cải tiến hiệu suất công việc và tiết giảm nguồn lực, linh động trong cách quản lý và tăng khả năng đáp ứng để mở rộng công việc kinh doanh trong ngành, đa dạng hơn trong các dịch vụ cung ứng vào trong công trình, bổ sung doanh số sụt giảm của hệ thống.

Thời điểm này, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân, của chủ doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là rất lớn; trong đó, tiên phong dẫn dắt tinh thần nhân sự, dìu dắt doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải có trách nhiệm duy trì công ăn việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Ông Lê Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm tới nay, Công ty cũng nghiên cứu, cho ra thêm gần 10 sản phẩm mới để phục vụ thị trường. Công ty đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để lắp đặt thêm dây chuyền mới phục vụ sản xuất; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên đã đạt 50% kế hoạch sản xuất – kinh doanh cho cả năm. Tuy rằng vậy, nhưng chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024, áp lực ở quý cuối cùng này sẽ là rất lớn. Doanh nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu, tiếp tục nỗ lực để đạt doanh thu 500 tỷ đồng cho cả năm 2024, cao hơn kết quả năm 2023 khoảng 30 tỷ đồng. Để làm được điều này, tập thể cán bộ, công nhân viên của Dược Hà Tĩnh đã họp bàn, thảo luận và xây dựng phương án và điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, nâng chỉ số KPI của từng vị trí lao động, thêm công việc sẽ gia tăng thêm thu nhập, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác cho người lao động. Trên tinh thần win - win, công ty đạt mục tiêu kinh doanh, người lao động sẽ có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống nên tất cả đều vui vẻ.

Sau đợt khó khăn của năm 2023, ngành dệt may đã vượt qua khó khăn và dần lấy lại được đà tăng trưởng. Năm 2024, dù còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm hơn so với mong đợi, thị trường vẫn chưa được mở rộng và đơn hàng chưa nhiều, tuy nhiên, Công ty xác định sẽ đầu tư nhiều hơn vào công tác thị trường, thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác kinh doanh với những đơn vị đầu mối, tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước, ông Khánh nhấn mạnh

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thời gian tới tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh chung cả nền kinh tế và các doanh nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn. Nhưng thách thức luôn làm doanh nghiệp trưởng thành hơn với nỗ lực, quyết tâm vượt lên chính mình. Để về đích với những mục tiêu đã xây dựng, các doanh nghiệp cần phát huy, tận dụng các động lực tăng trưởng cũ và tìm ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường để tăng tốc sản xuất và "về đích" thắng lợi trong năm 2024.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hang-loat-doanh-nghiep-dieu-chinh-chien-luoc-kinh-doanh-20240806170212648.htm