Hàng chục hộ dân Quỳ Châu sống thấp thỏm bên 'miệng hà bá'

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu sống thấp thỏm bên bờ sông Hiếu sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mùa lũ tới.

Có mặt tại bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu thấy hàng chục hộ dân nằm chênh vênh bên mép sông Hiếu. Tình trạng sạt lở bờ sông nhiều năm qua đã khiến cho bờ sông đã “ăn” sát vào bản làng, cuốn trôi các công trình phụ của nhà dân, mất đất thổ cư.

Ông Dương Văn Thành, ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến lo lắng nói: Gia đình tôi đã sinh sống ở đây trên 30 năm qua, diện tích đất thổ cư đang ở của gia đình đã được cấp giấy quyền sử dụng đất. Mùa lũ năm nào tôi cũng chứng kiến bờ sông bị sạt lở lấn sâu vào bản làng.

Phía dưới căn nhà ông Dương Văn Thành, ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến được ông gia cố thêm bờ đá để bảo vệ các trụ bê tông. Ảnh: Văn Trường

Phía dưới căn nhà ông Dương Văn Thành, ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến được ông gia cố thêm bờ đá để bảo vệ các trụ bê tông. Ảnh: Văn Trường

Trước đây nhà tôi có mảnh vườn, vậy mà sau mỗi trận lũ bờ sông lại bị lấn sâu vào từ 3-4 mét đất, đến nay lũ cuốn cả bụi tre, cây cối “ăn” vào sát nhà. Cứ vào mùa lũ, nước sông Hiếu dâng cao, cả nhà lại phải mang theo đồ đạc đi lánh nạn.

Theo quan sát, căn nhà của ông Thành được đóng cọc bê tông ở dưới mép sông lên, phía dưới nhà được ông gia cố thêm bờ đá để bảo vệ các trụ cột bê tông, nhưng lũ về bờ đá vẫn có thể bị cuốn đi, đe dọa tính mạng.

Ông Dương Văn Thành, ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến chỉ tay ra phía sau cửa sổ, sông đã "ăn" vào sát nhà. Ảnh: Văn Trường

Ông Dương Văn Thành, ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến chỉ tay ra phía sau cửa sổ, sông đã "ăn" vào sát nhà. Ảnh: Văn Trường

Một số bà con bản Minh Tiến chia sẻ: Những năm qua, bà con bản Minh Tiến đã tích cực dùng rọ đá, bao cát, trồng tre, đóng cọc ven sông Hiếu để bảo vệ làng bản, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cứ đến mùa lũ nhiều bụi tre lại bị cuốn trôi sông.

Theo quan sát, thấy các hộ dân nơi đây đều chủ động dùng các vật liệu và bao cát để chèn xung quanh khu vực nhà, nhằm giảm thiểu sạt lở khi mùa lũ đến.

Các hộ dân đổ đất cơi nới sau nhà nhằm giảm thiểu sạt lở bờ sông. Ảnh: Văn Trường

Các hộ dân đổ đất cơi nới sau nhà nhằm giảm thiểu sạt lở bờ sông. Ảnh: Văn Trường

Đoạn đi qua xã Châu Tiến, xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới sau những trận mưa đầu mùa, vết sạt lở ăn vào đất canh tác trồng màu của nhân dân.

Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Dọc sông Hiếu đoạn qua bản Minh Tiến có gần 42 hộ dân sinh sống thì có 22 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở bờ sông. Hầu hết các hộ dân sinh sống ở nơi đây đều trên khoảng 40 năm, đa số được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, có 6 hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn làm nhà ven sông.

Một hộ gia đình tự xây bờ kè và đóng bao cát để bảo vệ căn nhà ven bờ sông. Ảnh: Văn Trường

Một hộ gia đình tự xây bờ kè và đóng bao cát để bảo vệ căn nhà ven bờ sông. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, đối với các hộ dân không có "bìa" trên xã không thể yêu cầu di dời đi nơi khác được, vì họ đã làm nhà sinh sống cách đây trên 20 năm, xã không có quỹ đất để tái định cư cho các hộ này.

Một vị trí bờ sông Hiếu bị sạt lở mới "ăn" vào đất canh tác của người dân Châu Tiến. Ảnh: Văn Trường

Một vị trí bờ sông Hiếu bị sạt lở mới "ăn" vào đất canh tác của người dân Châu Tiến. Ảnh: Văn Trường

Vào mùa mưa lũ xã thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ven bờ sông sạt lở và có kế hoạch để di dời khi nước sông dâng cao. Về lâu dài, xã đang đề xuất với ngành chức năng cần xây dựng bờ kè ven sông Hiếu qua bản Minh Tiến để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Văn Trường

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/hang-chuc-ho-dan-quy-chau-song-thap-thom-ben-mieng-ha-ba-10274135.html