'Hạm đội phương Bắc' bị NATO bao vây, Bắc Cực sẽ là 'mồ chôn' của Nga?
Mỹ đang chọn Na Uy làm căn cứ để phong tỏa Hạm đội Phương Bắc. Vấn đề của Nga là làm thế nào để giữ vững sự thống trị ở Bắc Cực.
NATO đảo ngôi ở Bắc Cực
Bắc Cực đang ngày càng trở thành đấu trường đối đầu giữa Nga và NATO. Bộ Quốc phòng Nga đang rốt ráo khôi phục lại các cơ sở hạ tầng quân sự bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ ở vùng Viễn Bắc, trong khi Mỹ chọn Na Uy làm căn cứ để phong tỏa Hạm đội Phương Bắc và Tuyến đường Biển Bắc (NSR) của đối thủ.
Theo Reporter, lý do khiến Washington chú ý đến Bắc Cực là điều dễ hiểu. Đầu tiên, quỹ đạo tối ưu cho đường bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa theo cả hai hướng đều đi qua Bắc Băng Dương.
Thứ hai, Bắc Cực có trữ lượng khoáng sản và nhiên liệu hydrocacbon khổng lồ tập trung ở thềm lục địa và nơi đây cũng là con đường thủy ngắn nhất nối liền giữa châu Âu và châu Á.
Hiện tại, nhìn theo hướng khách quan, Nga đang là quốc gia thống trị ở Bắc Cực. Điều này là do Mỹ đã xao nhãng khu vực này kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Chỉ thời gian gần đây, Mỹ mới có ý định thay đổi hiện trạng bất lợi.
Lầu Năm Góc coi Alaska ở phía Đông và Na Uy ở phía Tây của Tuyến đường Biển Bắc là các đầu cầu. Để có thể "làm tắc nghẽn" NSR, người Mỹ đã tiến hành rất nhiều hoạt động, đặc biệt là ở Na Uy.
Dù là thành viên NATO, Na Uy từ trước đến nay vẫn chống lại việc triển khai các căn cứ quân sự và binh lính của đồng minh trên lãnh thổ của mình, để không làm xấu đi mối quan hệ với Nga một lần nữa. Nhưng lúc này, dưới áp lực từ Washington, Oslo rõ ràng đã sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận.
Từ năm 2017, Vương quốc Anh đã bắt đầu xây dựng trạm radar Globus III mới. Đây là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ và sẽ hành động vì lợi ích của bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự hạt nhân và vũ trụ.
Radar mới sẽ bổ sung và tăng cường sức mạnh cho Globus II hiện có. Đặt tại Na Uy, các radar sẽ theo dõi hoạt động quân sự của Nga ở vùng Viễn Bắc và thu thập dữ liệu về các vụ thử tên lửa của Nga.
Năm 2019, Moscow buộc phải phản ứng với dự án chung này của Oslo và Washington bằng các cuộc tập trận sử dụng máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M, thực hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom chống radar.
Cảnh giác từ Nga
Một phi đội máy bay tuần tra Poseidon của Mỹ đã được triển khai tại căn cứ không quân Anneia của Na Uy. Các máy bay tuần tra chống ngầm này được trang bị ngư lôi và bom chống ngầm, rõ ràng là nhằm chống lại các tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc.
Đồng thời, số lượng các cuộc ghé thăm của tàu ngầm Mỹ và NATO tại các cảng của Vương quốc Anh đã tăng lên đáng kể. Không xa thành phố Tromsø, người Na Uy đang hiện đại hóa một cảng riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu ngầm hạt nhân đa năng của hải quân Mỹ, điều đã được xác nhận trực tiếp bởi Oslo.
Cũng tại Vương quốc Anh, số lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã tăng gấp đôi, thêm vào đó là các cuộc tập trận quy mô lớn đang được tiến hành cùng với các nước NATO khác.
Ví dụ, Trident Juncture 2018 là cuộc diễn tập lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các sân bay quân sự Bardufoss, Evenes, Erland, Banak và Ryugge cũng đang được hiện đại hóa.
Không những vậy, một tin tức khác có thể làm Bộ Quốc phòng Nga khó chịu, đó là bốn máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer đã được chuyển giao cho Na Uy.
Tên lửa AGM-158 JASSM của máy bay có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 360 km, biến thể JASSM-ER có thể đạt tầm bắn 980 km. Đây là những tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao được thiết kế để xâm nhập hệ thống phòng không ở độ cao thấp.
Một phi đội 4 máy bay chiến lược của Mỹ mang tới 96 tên lửa chống hạm có khả năng kiểm soát biển Barents từ Na Uy sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề cho Hạm đội phương Bắc.
Mặc dù Oslo tuyên bố rằng các hoạt động tăng cường quân sự này không nhằm vào Nga mà chỉ là các hoạt động tăng cường an ninh của NATO, nhưng Nga lại nghĩ khác.
Để đối phó với trạm Globus-III của NATO, trạm radar Voronezh của Nga đã được xây dựng gần Murmansk. Bộ chỉ huy chiến lược chung phía Bắc đã được thành lập, đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực Bắc Cực từ Murmansk đến Anadyr.
Kể từ đầu năm nay, Hạm đội Phương Bắc đã nhận được quy chế quân khu, quản lý các lực lượng tàu ngầm và tàu nổi, hàng không hải quân, phòng không và tuần duyên.
Hiện 10 trong số 13 sân bay quân sự nằm ngoài Vòng Bắc Cực đã được khôi phục, nơi có thể đáp ứng triển khai các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3.
Một đường băng mở rộng đã được xây dựng trên đảo Alexandra Land, từ đó “Thiên nga trắng” và những chiếc MiG-31 siêu thanh được nâng cấp cùng với tên lửa Daggers sẽ có thể phá hủy các căn cứ của Mỹ không chỉ ở Na Uy mà còn ở đông bắc Greenland.