Hải Phòng: Lồng bè bủa vây, uy hiếp tàu thuyền trên sông Bạch Đằng

Hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản giăng kín mặt sông Bạch Đằng (giáp ranh giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra nhiều năm, uy hiếp an toàn giao thông đường thủy.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn để xử lý dứt điểm.

Mất an toàn giao thông thủy

Sông Bạch Đằng là vùng giáp ranh giữa biển và lục địa, nơi các nhánh sông lớn thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình đổ vào. Vùng cửa sông Bạch Đằng là nơi phát triển giao thông, cảng, công nghiệp năng động, có vai trò quan trọng đối với hai địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh.

Bè nuôi trồng thủy sản giăng kín mặt sông Bạch Đằng, gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, tại đây xuất hiện tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông, gây uy hiếp an toàn giao thông nghiêm trọng. Lượng lồng bè ngày càng gia tăng do phong trào nuôi hàu đại dương trên cửa sông.

Theo ghi nhận, vào lúc cao điểm, hàng trăm lồng bè với diện tích mỗi lồng bè rộng khoảng 3.000 - 4.000m2 giăng kín mặt sông, kéo dài hơn 10km từ cầu Bến xuôi về cửa Đình Vũ.

Một số bè tiến sát phao tiêu hàng hải. Mỗi khi thủy triều thay đổi, những lồng bè trên trôi dạt, va chạm và kéo các phao tiêu hướng dẫn luồng ra khỏi vị trí ban đầu, có phao tiêu bị kéo xa tới cả chục mét. Do lồng bè neo đậu phủ kín mặt sông đã ngăn cản việc đo đạc, xác định mức nước, độ sâu của luồng tuyến từ các đơn vị chuyên môn. Tình trạng này gây nguy hiểm đối với các tàu thuyền khi di chuyển trên sông Bạch Đằng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi bè được đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng. Các bè được làm từ phao xốp và tre luồng, liên kết với nhau bằng dây thừng. Hàu đại dương được buộc vào các dây rồi thả trên sông để ăn phù du và sinh trưởng tự nhiên.

Các bè được neo đậu tại các địa bàn như Quảng Ninh, Thái Bình, đến tháng 9 Âm lịch độ mặn của nước biển thay đổi, các hộ dân nuôi trồng thường kéo bè về khu vực sông Bạch Đằng để nuôi vì có độ mặn phù hợp hơn. Thời gian tránh trú thường kéo dài từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau.

Loay hoay xử lý

Trung tá Ngô Minh Tuệ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát giao thông Bạch Đằng (Phòng CSGT, Công an TP Hải Phòng) cho biết, việc neo đậu trái phép số lượng lớn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên mặt sông Bạch Đằng khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Nguyên nhân do liên quan tới nhiều địa phương, đơn vị. Mỗi khi cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu di chuyển khỏi vị trí vi phạm, các chủ bè lại kéo sang địa phận Quảng Ninh. Ngược lại, khi cơ quan chức năng rời đi, lại kéo bè về.

"Khi chúng tôi phát hiện có bè đang di chuyển vào các khu vực cấm neo đậu, đơn vị đã bố trí lực lượng tiếp cận và xua đuổi, nhưng chủ bè bỏ chạy và cắt dây neo để bè thả trôi tự nhiên khiến nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Lúc đó, đơn vị phải vất vả huy động phương tiện để kéo bè vào nơi an toàn. Sau đó lại gọi điện cho chủ lồng bè trên quay lại di chuyển lồng bè đi nơi khác".

Hiện nay, số lồng bè còn tồn tại trên địa bàn thuộc huyện Thủy Nguyên còn khoảng hơn 100 chiếc. Trong đó, có tới 3/4 lượng lồng bè của người dân bên tỉnh Quảng Ninh kéo sang.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, ngày 18/5, huyện đã họp và đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì, tham mưu để lãnh đạo huyện đối thoại cùng người dân, vận động thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

"Nếu trong quá trình vận động người dân không chấp hành, UBND huyện và các cơ quan liên quan sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo các công trình, luồng hàng hải được an toàn, thông suốt.

Đối với các chủ bè cắt đứt dây kéo để bỏ chạy, để bè trôi tự do gây nguy hiểm trên luồng tuyến, các lực lượng bộ đội biên phòng, CSGT thủy cần tích cực truy vết tận gốc để xử lý nghiêm, tránh tình trạng trên tái diễn", ông Viển cho biết.

Nhiều hộ chấp nhận nộp phạt

Để đảm bảo an toàn an ninh hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã có nhiều buổi họp, làm việc với đại diện UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), một số cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc từ các văn bản, chế tài xử lý nên các chủ lồng bè trên mới chỉ bị xử phạt khoảng 10 triệu đồng/lần. So với lợi nhuận thu được từ việc nuôi trồng, đa số hộ dân vẫn chấp nhận bị phạt để tồn tại.

Hoàng Long

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/hai-phong-long-be-bua-vay-uy-hiep-tau-thuyen-tren-song-bach-dang-192240520235238087.htm