Hải Phòng: Giảm 300 ha ruộng bỏ hoang nhờ tích tụ ruộng đất
Từ hơn 700 ha đất lúa bỏ hoang đầu năm 2023, đến nay, diện tích này của huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, giảm xuống còn khoảng 400 ha.
Thiếu lao động, chi phí sản xuất cao, canh tác nhỏ lẻ, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều khu vực đất canh tác trên địa bàn các huyện An Dương, Kiến Thụy, An Lão… của Tp.Hải Phòng, kể cả những khu vực “bờ xôi, ruộng mật”, bị bỏ hoang nhiều năm.
Trước thực trạng này, để thu hẹp diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, các địa phương thuộc Tp.Hải Phòng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, động viên bà con nông dân canh tác trở lại, đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa để dễ canh tác, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác.
Trong số này, huyện Kiến Thụy nổi lên là một trong số những địa phương đi đầu trong việc giảm diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, khuyến khích quá trình tích tụ ruộng đất. Đến nay, địa phương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, qua rà soát, đầu năm 2023, trên địa bàn có khoảng 700 ha trong tổng số 4.500 đất lúa bị bỏ hoang.
Trước tình trạng này, ngày 25/4/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy đã ban hành Nghị quyết số 08 - NQ/HU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Nghị quyết số 08, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2025 mở rộng diện tích đất tích tụ khoảng 500 ha, trong đó có khoảng 350 ha đất nông nghiệp bỏ hoang được đưa vào sản xuất.
Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy cũng yêu cầu mỗi xã lựa chọn xây dựng ít nhất 1 mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô từ 5 ha trở lên đối với cấy lúa hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, quy mô từ 1 ha trở lên đối với trồng rau màu, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi.
Theo thông tin từ UBND huyện Kiến Thụy, thực hiện Nghị quyết 08, địa phương đã triển khai nhiều mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn.
Có thể kể đến mô hình trồng sen trên diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả, bỏ hoang lâu ngày tại 2 xã Đại Đồng, Hữu Bằng; Mô hình cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu tại xã Tú Sơn; Mô hình cấy lúa có liên kết tiêu thụ sản phẩm của xã Ngũ Đoan…
Trong đó, mô hình trồng sen ở 2 xã Đại Đồng, Hữu Bằng có diện tích lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng xã Hữu Bằng, HTX sen Hữu Bằng có diện tích trồng sen lên tới gần 30 ha, chiếm khoảng 60% diện tích đất trồng sen của toàn xã.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Duy Thảo - thành viên HTX sen Hữu Bằng, cho biết, cây sen cho thu hoạch tất cả các bộ phận từ lá, thân, ngó, hoa, củ. Nhờ vậy, trồng sen đem lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa (khoảng 6 – 10 triệu đồng/sào/năm).
Theo bà Lê Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Kiến Thụy, thời gian qua, các phòng, ban chức năng liên quan của Huyện tập trung hoàn thiện các thủ tục tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tích tụ ruộng đất sớm đủ điều kiện đi vào sản xuất.
“Nếu cá nhân, doanh nghiệp đã hợp đồng với các hộ dân thuê lại ruộng đất, thì quy trình, thủ tục để có thể đi vào sản xuất chỉ kéo dài trong khoảng 1 tuần. Nhờ vậy, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất của địa phương để sản xuất hàng hóa diễn ra nhanh, khắc phục được nhiều ruộng đất bỏ hoang.
Theo tính toán, đánh giá sơ bộ của địa phương, thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy, số diện tích đất bỏ hoang được đưa vào sản xuất khoảng 300 ha”, bà Lê Thanh Huyền chia sẻ.
Về huyện Kiến Thụy những ngày tháng 5 này, dạo một vòng xung quanh những cánh đồng thẳng cánh cò bay, thấy mơn mởn màu lúa, sen, rau màu… Cỏ dại mọc trên những thửa ruộng bỏ hoang dần dần nhường chỗ cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao giúp bà con nông dân sống khỏe trên đồng đất quê hương.