Hai ngành TAND - VKSND huyện Đông Anh tham gia tập huấn công tác giải quyết vụ việc
Mới đây, tại trụ sở TAND huyện Đông Anh, Tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội phối hợp với Phòng 10 - VKSND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác giải quyết vụ, việc kinh doanh thương mại năm 2024 đối với đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên TAND huyện Đông Anh và Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên VKSND huyện Đông Anh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Trung Trực - Chánh án TAND huyện Đông Anh đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tại huyện Đông Anh đang phát triển mạnh mẽ, trong những năm gần đây, lượng vụ, việc kinh doanh thương mại được Tòa án thụ lý có sự gia tăng đáng kể, thực tế đó đặt ra nhiều thách thức đối với đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật vào việc giải quyết các vụ, việc kinh doanh thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Hướng dẫn tại hội nghị, đồng chí Hoàng Ngọc Thành - Chánh tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội đã phổ biến một số Luật, Nghị định hướng dẫn, Công văn giải đáp nghiệp vụ của ngành Tòa án để các Thẩm phán, Kiểm sát viên nghiên cứu áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, trong đó nhấn mạnh một số Luật sắp có hiệu lực thi hành như: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, Luật giao dịch điện tử, Luật đấu thầu… và các Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Nghị quyết, Công văn giải đáp nghiệp vụ của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Hội nghị cho biết, trong thời gian gần đây các vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” xảy ra ngày càng nhiều và luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60-65%) trong các loại tranh chấp về kinh doanh thương mại. Thực tiễn cho thấy, có không ít vi phạm, thiếu sót của Tòa án các cấp dẫn tới việc bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa nhiều. Do vậy, đồng chí Hoàng Ngọc Thành đưa ra một số kỹ năng, kinh nghiệm và một số vấn đề pháp lý cần lưu ý về mặt tố tụng và nội dung khi thụ lý và giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, đặc biệt là các vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng. Ví dụ như:
Về tố tụng: việc xác định người tham gia tố tụng có liên quan đến chi nhánh các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị giải thể, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã; xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện theo pháp luật đang chấp hành án phạt tù hoặc đã chết; tranh chấp có liên quan đến hộ gia đình; nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm trong trường hợp nhiều thành viên gia đình cùng ký tên vào đơn kháng cáo; hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản là bất động sản cần có sự hỗ trợ của công ty đo đạc chuyên nghiệp…
Về nội dung: vấn đề lãi suất, lãi phạt, tách lãi; việc xử lý tài sản bảo đảm (có tài sản thuộc sở hữu của người thế chấp, có tài sản thuộc sở hữu của người khác; tài sản của hộ gia đình; xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp nội dung hợp đồng thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắp liền với đất; diện tích đất thế chấp có sự chênh lệch so với thời điểm ký hợp đồng thế chấp...)
Đặc biệt, tại hội nghị, đồng chí Hoàng Lê Thông - Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh trình bày một số vướng mắc trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ, việc kinh doanh thương mại, điển hình là: việc tính lãi phạt trong các vụ án Tranh chấp hợp đồng tín dụng; việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp diện tích tài sản thế chấp có sự chênh lệch giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trên thực tế… Các vướng mắc nêu trên đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hoa - Trưởng Phòng 10 VKSND TP Hà Nội trích dẫn Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm để nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn thảo luận một số nội dung cần lưu ý đối với các loại tranh chấp khác về kinh doanh thương mại như: xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu, xử lý hậu quả của việc bản án bị hủy đã được thi hành án, áp dụng thời hiệu trong trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định, xác định lãi trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng xây dựng…
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, trên tinh thần xây dựng và cầu thị, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Đồng chí Trần Trung Trực - Chánh án TAND huyện Đông Anh phát biểu tiếp thu và cam kết hai đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt, nghiên cứu tài liệu tập huấn, lưu ý những kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết các vụ, việc kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền, nhằm hạn chế thấp nhất số lượng bản án bị sửa, hủy có lỗi của Thẩm phán, Kiểm sát viên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.