Hải Dương chuẩn bị nhân lực cho kinh tế xanh

Hải Dương đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế xanh. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã và đang tích cực xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu 'việc làm xanh'.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp An Phát (Nam Sách) tìm hiểu về máy móc sản xuất sản phẩm tự hủy thân thiện môi trường

Xu hướng của tương lai

Các học viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp An Phát (Nam Sách) không còn lạ lẫm khi được học những bài đầu tiên về kinh tế xanh, nhân lực xanh. Đây là bài học quan trọng trong mỗi khóa học đối với học viên tại đây. Nơi làm việc sắp tới của họ là Công ty CP Nhựa An Phát xanh. Doanh nghiệp này đang phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường như túi, bao bì tự hủy… Nếu không hiểu thế nào là kinh tế xanh thì học viên sẽ bỡ ngỡ với nghề nghiệp và việc làm của mình sắp tới.

“Việc làm xanh” là gì? Theo Viện Khoa học lao động và Xã hội, đó là việc làm thỏa đáng trong các lĩnh vực kinh tế và các hoạt động góp phần bảo tồn, phục hồi môi trường trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp cũng như những lĩnh vực mới nổi như năng lượng, vật liệu thân thiện, có khả năng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả…

Sinh viên học ngành may thời trang của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương được các thầy cô hướng dẫn lựa chọn nguyên liệu thân thiện môi trường để thiết kế sản phẩm

Tại Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương (Cẩm Giàng), đào tạo nguồn nhân lực xanh đã được lãnh đạo nhà trường quan tâm thực hiện. Trong số nhiều ngành nhà trường đào tạo hiện nay đã có một số nghề gắn với kinh tế xanh. Ngay ở Khoa công nghệ may, các thầy cô giáo đã hướng dẫn các em tìm hiểu những vật liệu xanh thân thiện môi trường để thiết kế sản phẩm từ các loại vải từ tơ tằm, sợi chuối, sợi đay, tơ sen… Em Nguyễn Hải Yến, sinh viên năm hai Khoa Công nghệ may chia sẻ: “Trước đây em rất mơ hồ khi thầy cô nhắc đến cụm từ việc làm xanh hay kỹ năng xanh, nhưng khi học và thực hành mới thấy đó là những việc làm mới phù hợp sự phát triển với nền kinh tế xanh của đất nước. Đơn giản chỉ là chọn cách sử dụng sản phẩm và lựa chọn chất liệu vải thân thiện, gần gũi với môi trường cũng đã là học để có kỹ năng xanh".

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19 và những chuyển dịch của nền kinh tế hiện nay cho thấy những việc làm liên quan đến bảo vệ môi trường gắn sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu từ thiên nhiên được ưa chuộng.

“Nếu không chủ động hướng đến đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu này thì lao động Hải Dương sẽ bị tụt hậu và mất cơ hội cũng như việc làm trong tương lai”, ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương nhận định.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Nhiều doanh nghiệp của Hải Dương đang hướng đến sản xuất xanh thì nhu cầu nhân lực đáp ứng yêu cầu này ngày càng lớn

Gần đây, Hải Dương có bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế để hướng tới mô hình tăng trưởng xanh.

Năm 2023, lần đầu tiên chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khảo sát, đánh giá và công bố. Hải Dương xếp thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 ở vùng đồng bằng sông Hồng với 16,5 điểm.

Theo VCCI, trong 4 chỉ số thành phần của PGI, Hải Dương gây ấn tượng với chỉ số thực hành xanh khi đứng thứ 2 cả nước sau Hải Phòng. Chỉ số này đã thể hiện định hướng của tỉnh trong việc giúp các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp có ý thức “xanh hóa” quy trình sản xuất, quan tâm hơn tới tiết kiệm và tái tạo năng lượng, tạo cơ hội việc làm xanh cho người lao động.

Theo Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Gia Lộc) Lê Văn Việt, nhiều doanh nghiệp của Hải Dương hiện nay đang hướng đến sản xuất xanh. Muốn sản xuất xanh thì người lao động phải bắt nhịp xu hướng này. “Chẳng hạn khi doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất thì người lao động cũng phải nắm bắt và hiểu được hệ thống này sử dụng như thế nào. Ý thức sản xuất xanh của người lao động rất quan trọng nếu không sẽ khó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hiệu quả dựa trên mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo hay các lớp dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh cũng bắt đầu quan tâm đến việc đào tạo những lao động gắn với sản xuất xanh”, anh Việt ví dụ.

Trong nông nghiệp, Hải Dương cũng cần nguồn nhân lực hiểu về sản xuất xanh, sạch đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn tới

Cụ thể hóa Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã hướng dẫn các trường lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng chương trình đào tạo nghề; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có đủ kiến thức để hướng dẫn sinh viên từng bước bắt nhịp yêu cầu việc làm trong giai đoạn mới nhằm tổ chức đào tạo nghề xanh cho nền kinh tế trong và ngoài tỉnh…

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh của doanh nghiệp sẽ giúp Hải Dương đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-chuan-bi-nhan-luc-cho-kinh-te-xanh-375214.html