Hà Tĩnh: Nỗ lực phòng chống bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ ở tỉnh Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh gia tăng. Trước tình hình đó, ngành y tế và các địa phương, đơn vị liên quan đang nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh liên tục tiếp nhận các ca bệnh bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị

Thời gian này, tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh số lượng người đến khám, điều trị bệnh đau mắt đỏ liên tục tăng lên, bình quân mỗi ngày có từ 20-30 ca bệnh. Các trường hợp bị đau mắt đỏ chủ yếu tập trung ở lứa tuổi học sinh và người già, với các triệu chứng là đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc.

Các trường hợp bị đau mắt đỏ ở tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu tập trung ở lứa tuổi học sinh và người già.

Trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Lê Văn Tịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, dễ lây lan thành dịch. Bệnh do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra, nhưng phổ biến nhất là vi rút có tên Adenovirus.

“Phát hiện bị đau mắt đỏ, hầu hết mọi người đều đã đến khám, điều trị kịp thời, nhưng cũng có một số trường hợp phát hiện muộn hoặc có thể do biến thể của vi rút nên đã bị biến chứng viêm loét giác mạc, khiến cho thời gian điều trị kéo dài hơn”, Bác sĩ Lê Văn Tịnh cho biết.

Các trường học ở tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều phương án phòng chống, kiểm soát bệnh đau mắt đỏ.

Qua rà soát, thống kê của ngành y tế, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 30.000 trường hợp bị đau mắt đỏ, trong đó tại huyện Hương Khê phát hiện hơn 15.000 ca, huyện Kỳ Anh trên 4.800 ca, huyện Can Lộc trên 2.200 ca. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 12.000 trường hợp bị đau mắt đỏ được điều trị khỏi, số trường hợp còn lại đang tiếp tục theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của ngành y tế.

“Được sự tuyên truyền, khuyến cáo của ngành y tế, khi phát hiện con bị đau mắt đỏ, tôi thường xuyên nhắc nhở con không dụi tay vào mắt, thường xuyên dùng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay, đồng thời đưa con đến bệnh viện điều trị. Sau hơn 5 ngày điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống phù hợp, đến nay bệnh đau mắt đỏ của con cơ bản đã lành, không xảy ra biến chứng”, chị Nguyễn Thị T ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc cho biết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại huyện Hương Khê.

Tìm hiểu được biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, ít để lại di chứng, nhưng dễ lây lan và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Nếu phát hiện, điều trị kịp thời thì khoảng từ 7 - 10 ngày là khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chủ quan thì bệnh có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng rất lớn đến thị lực, nhất là ở trẻ em.

“Từ ngày 1 - 18/9 các cơ sở y tế trong huyện đã điều trị khỏi bệnh đau mắt đỏ cho 8.200 ca, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh. Vài ngày trở lại đây, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ đã giảm. Đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng chống bệnh đau mắt đỏ, giảm thiểu những biến chứng có thể xảy ra”, Bác sĩ Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết.

Các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ ở tỉnh Hà Tĩnh được đẩy mạnh tại các trường học, nhất là khuyến cao không tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, tránh gây biến chứng nguy hiểm.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đau mắt đỏ tại nhiều huyện, TP, thị xã trong tỉnh, ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo các bậc phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho con em. Khi trẻ có các triệu chứng đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều ghèn rỉ cần đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị, đặc biệt không tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, tránh gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-no-luc-phong-chong-benh-dau-mat-do.html