Hà Nội: Nhiều tồn tại, vi phạm trong quản lý tài chính, ngân sách tại huyện Đan Phượng
Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quản lý ngân sách trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2019 - 2021, Thanh tra thành phố chỉ rõ công tác quản lý tài chính, ngân sách trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, vi phạm.
Tồn tại trong quản lý nguồn thu từ quỹ đất công, đất công ích
Cụ thể, về công tác thu ngân sách, trong năm 2019 và năm 2021, việc xây dựng dự toán thu ngân sách của UBND huyện Đan Phượng thì một số chỉ tiêu chưa sát với thực tế như: Thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu khác ngân sách, thu hoa lợi cộng sản, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế cấp quyền khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Chi cục thuế huyện Đan Phượng mặc dù đã lập hồ sơ nợ thuế cho từng đối tượng theo đúng các quy định pháp luật; thực hiện các biện pháp quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình, tuy nhiên, tỷ lệ thu nợ thuế còn chưa cao (52%); các biện pháp cưỡng chế nợ thuế (cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn) chưa phát huy được tác dụng mong muốn, chỉ thu được 1,970 tỷ đồng/87,2 tỷ đồng (đạt 22,58% số nợ phải cưỡng chế). "Để xảy ra những tồn tại trên, trách nhiệm thuộc Chi Cục trưởng chi cục thuế, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện giai đoạn từ năm 2019 - 2021", kết luận thanh tra nêu rõ.
Về công tác chi thường xuyên, qua thanh tra, Thanh tra TP Hà Nội cho rằng năm 2019 và năm 2021, UBND huyện phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện tại một số lĩnh vực còn chưa đảm bảo (tăng hoặc giảm) so với quy định tại Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND (ngày 5.12.2016) và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND (ngày 5.7.2018) của HĐND thành phố. Ngoài ra, năm 2019, UBND huyện Đan Phượng còn phân bổ, giao dự toán chi hỗ trợ cho địa phương khác (ngoài địa bàn huyện) với số tiền là 1,2 tỷ đồng, nội dung chi hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn Song Phượng (tại xã Hùng Quang, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) là chưa đúng quy định về nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện.
Ngoài ra, UBND huyện Đan Phượng không giao dự toán thu, dự toán chi các khoản thu phí, lệ phí cho Văn phòng HĐND - UBND huyện năm 2021; Phòng Tài nguyên - Môi trường năm 2019 và 2021. Đồng thời, năm 2019, UBND huyện chưa giao chi tiết dự toán chi dành tối thiểu 40% để tạo nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu được để lại của Phòng Quản lý Đô thị.
"Đến 31.12 hàng năm, UBND huyện chưa hoàn thành việc giao dự toán ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trong một số lĩnh vực: sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đảm bảo xã hội, quản lý nhà nước", kết luận thanh tra chỉ rõ.
Đáng chú ý, qua kiểm tra tại 10 đơn vị gồm Văn phòng HĐND - UBND huyện, Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý Đô thị, Phòng LĐ - TB, XH, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND thị trấn Phùng, UBND xã Tân Lập và UBND xã Liên Hồng, cho thấy: 10/10 đơn vị có một số tồn tại trong công tác lập dự toán, chấp hành dự toán; quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách; quản lý nguồn thu từ quỹ đất công, đất công ích; xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công...
"Để xảy ra các tồn tại trên thuộc trách nhiệm của Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện, Trưởng các Phòng gồm Kinh tế, Quản lý Đô thị, LĐ - TB, XH, GD - ĐT, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính - Kế hoạch, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Chủ tịch UBND thị trấn Phùng, Chủ tịch UBND Tân Lập và Liên Hồng giai đoạn từ năm 2019 - 2021", Thanh tra thành phố nêu rõ.
Nhiều đơn vị chưa công khai ngân sách nhà nước
Về công tác khóa sổ kế toán cuối năm và quyết toán ngân sách nhà nước, kết luận thanh tra nhấn mạnh năm 2019, Phòng Tài chính - Kế hoạch chưa phê duyệt quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất của Trung tâm phát triển quỹ đất (số tiền đơn vị báo cáo đề nghị quyết toán là 5.288.265.919 đồng) và Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện (số tiền đơn vị báo cáo đã chi sử dụng là 841.530.400 đồng).
Sau khi Thanh tra Thành phố kết thúc thanh tra tại huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch có Thông báo số 577/TB-TCKH (ngày 9.12.2022) và Thông báo số 580/TB-TCKH (ngày 10.12.2022) về việc thẩm định số liệu quyết toán thu chi chi phí tổ chức thực hiện bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư năm 2019. Đồng thời, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 7763/QĐ-UBND (ngày 14.12.2022) và Quyết định số 7763a/QĐ-UBND (ngày 14.12.2022) phê duyệt quyết toán thu - chi kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư năm 2019 do Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện thực hiện. Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch huyện giai đoạn từ năm 2019 - 2021.
Riêng đối với việc thực hiện chế độ công khai ngân sách nhà nước, kết quả kiểm tra tại 10 đơn vị (gồm 7 đơn vị dự toán và 3 xã, thị trấn) cho thấy các đơn vị đã thực hiện việc công khai ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, 7/10 đơn vị chưa công khai đầy đủ nội dung và biểu mẫu theo quy định tại Thông tư số 343/2016/TT-BTC (ngày 30.12.2016), Thông tư số 61/2017/TT-BTC (ngày 15.6.2017) và Thông tư số 90/2018/TT-BTC (ngày 28.9.2018) của Bộ Tài chính.
Thanh tra Thành phố khẳng định "Để xảy ra các tồn tại trên, trách nhiệm thuộc Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện, Trưởng Quản lý Đô thị, Trưởng phòng LĐ - TB, XH, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Chủ tịch UBND xã Tân Lập và Chủ tịch UBND thị trấn Phùng giai đoạn từ năm 2019 - 2021.