Hà Nội ngó lơ việc xóa lối đi tự mở qua đường sắt?

Năm 2023 trên địa bàn Hà Nội xảy ra 30 vụ TNGT liên quan đến đường sắt khiến 13 người tử vong, tuy giảm nhẹ về số vụ nhưng lại tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng so với năm trước đó.

Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, hiện trên địa bàn Thủ đô có 6 tuyến đường sắt đi qua, với chiều dài 162km, đi qua 18 quận/huyện, với 460 điểm giao cắt, trong đó có 183 đường ngang hợp pháp và còn 277 lối đi tự mở.

Năm 2023, xảy ra 30 vụ TNGT liên quan đến đường sắt khiến 13 người tử vong, tuy giảm nhẹ về số vụ nhưng lại tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng so với năm trước đó. Trong 3 tháng năm 2024 trên địa bàn xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm chết 2 người.

Năm 2023 trên địa bàn xảy ra 30 vụ TNGT liên quan đến đường sắt khiến 13 người tử vong, tuy giảm nhẹ về số vụ nhưng lại tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng so với năm trước đó

Phân tích về nguyên nhân tai nạn, ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội cho biết, bên cạnh sự chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác của người dân thì nguyên nhân chính là các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ, tiến độ làm đường gom, hàng rào chưa được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.

"Để xóa bỏ được hết lối đi tự mở này Hà Nội phải hoàn thành được đường gom, muốn làm đường gom và mở các đường ngang hợp pháp thì Hà Nội phải dành quỹ đất và bố trí kinh phí để triển khai rào đóng. Tại một số lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, đi vào các khu dân cư, đề nghị Hà Nội tổ chức bố trí các lối đi tự mở này thành các lối đi hợp pháp, cử người cảnh giới, đóng chắn".

Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền, xây dựng lộ trình khẩn` trương làm đường gom mới xóa được lối đi tự mở; phải giải quyết hết các vi phạm xây dựng nhà và lấn chiếm đất trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt, bảo vệ công trình đường sắt. Đồng thời trước khi giao đất cho dân, địa phương phải bố trí được lối đi để đảm bảo người dân đi qua mà không phải giao cắt với đường sắt để đảm bảo an toàn", ông Tuấn nói.

Cũng theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, sau 3 năm triển khai QĐ 358 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội mới rào đóng được 63 lối đi tự mở và chỉ xây dựng được 2,2km đường gom và hàng rào, đạt tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Ngoài ra, Hà Nội cũng chỉ mới thu hẹp được 112 vị trí lối đi tự mở, xây dựng được 89 vị trí gờ giảm tốc và cắm được 258 biển báo “Chú ý tàu hỏa” và xây dựng được duy nhất 1 hầm chui.

Ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh an toàn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cảnh báo: "Vẫn tồn tại rất nhiều vi phạm trật tự hành lang ATGT đường sắt và các lối đi tự mở qau đường sắt chưa được xóa bỏ. Việc triển khai QĐ 358 của Chính phủ Thành phố Hà Nội làm tiến độ rất chậm, nếu các lối đi tự mở vẫn còn tồn tại và trật tự hành lang ATGT vẫn bị vi phạm thì TNGT đường sắt vẫn có nguy cơ xảy ra rất cao".

Theo Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2025 phải xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở, đến nay chỉ còn hơn 1 năm là đến thời hạn này nhưng việc xóa lối đi tự mở, xây dựng đường gom và hàng rào dọc tuyến đường sắt của TP Hà Nội vẫn khá ì ạch.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt khẳng định: "Tôi nghĩ rằng Hà Nội là một trong những đơn vị có điều kiện hơn các địa phương khác, tức là có thu đủ bù chi và nộp về ngân sách TW thì Hà Nội có thể cân đối được kinh phí cho việc này. Tôi mong muốn Hà Nội sớm sắp xếp ngân sách, dành 1 khoản nhất định để triển khai Kế hoạch 358 mà TTCP đã phê duyệt".

Bên cạnh sự chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác của người dân thì nguyên nhân chính là các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ, tiến độ làm đường gom, hàng rào chưa được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện

Để làm rõ sự chậm trễ này, PV VOV Giao thông đã liên hệ làm việc với chính quyền huyện Thanh Trì – nơi có nhiều đường ngang dân sinh và điểm đen về TNGT đường sắt, nhưng dường như từ người đứng đầu UBND huyện cho đến các phòng ban chức năng đều lảng tránh trách nhiệm và ngó lơ đề xuất phỏng vấn của phóng viên. Bởi đã gần 1 tháng sau khi tiếp nhận đề nghị phỏng vấn, phóng viên không hề nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía địa phương này.

Phải chăng chính quyền địa phương này “vô cảm” trước các vụ tai nạn thương tâm vẫn luôn thường trực tại các đường ngang dân sinh trên địa bàn?

Để giải đáp câu hỏi “Vì sao Hà Nội chậm triển khai xóa lối đi tự mở qua đường sắt?”, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản trả lời VOV Giao thông, rằng Hà Nội sẽ xây dựng đường gom, hàng rào và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt.

Cụ thể, về đường gom, xây dựng hoàn thành hệ thống đường gom dài gần 16.000m; xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt; hoàn thành việc xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia là 207 vị trí…

Kế hoạch là vậy, thế nhưng tỷ lệ đường gom được xây dựng, đường ngang dân sinh được xóa bỏ sau hơn 3 năm hiện khá khiêm tốn, trong khi chỉ còn 1 năm rưỡi nữa là sẽ đến hạn xóa sạch lối đi tự mở.

Thiết nghĩ với lộ trình và các giải pháp vô cùng chung chung như hiện nay Hà Nội khó có thể cán đích. Như vậy, mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-15% của Hà Nội sẽ khó đạt nếu như TNGT đường sắt vẫn còn phức tạp.

Hoàng Hà/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-ngo-lo-viec-xoa-loi-di-tu-mo-qua-duong-sat-post1086443.vov