Hà Nội nằm trong top 18 địa phương bảo vệ môi trường kém nhất
Hà Nội xếp ở vị trí thứ 46/63 tỉnh thành về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022, nằm trong top 18 địa phương thấp nhất. Đà Nẵng năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng. TPHCM nằm ở vị trí thứ 19/63.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt và công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PEPI).
Bộ chỉ số nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
PEPI được cấu trúc thành hai nhóm. Nhóm 1 là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần.
Nhóm 2 là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 8 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí quán quân với điểm số cao ở hai nhóm thành phần là thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
Thủ đô Hà Nội nằm ở vị trí thứ 46/63 tỉnh thành phố. Tuy nhiên, so với năm 2021, Hà Nội đã có bước tiến đáng kể. Năm 2021, thủ đô hơn 8 triệu dân nằm ở vị trí thứ 55/63 tỉnh/thành phố, trong đó mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống khá thấp.
TPHCM năm nay ở vị trí 19/63 tỉnh/thành phố, là bước lùi so với năm 2021 - khi thành phố được xếp hạng 14/63 tỉnh/ thành phố.
Ngoài Đà Nẵng, Top 10 các địa phương được đánh giá cao nhất về bảo vệ môi trường năm 2022 tập trung chủ yếu ở miền núi, trung du phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo sau Đà Nẵng, lần lượt là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Long An, Cần Thơ và Bến Tre.
Ở cuối bảng xếp hạng là các địa phương gồm Tuyên Quang, Sóc Trăng, Quảng Bình, Đắk Nông, Sơn La, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Đắk Lắk và Bạc Liêu.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc công bố Bộ chỉ số PEPI được kỳ vọng giúp nhận diện mặt mạnh, mặt yếu trong công tác bảo vệ môi trường cũng như đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nắm bắt đánh giá của người dân về những vấn đề môi trường, góp phần khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác này.