Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%

Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được Thành phố chỉ đạo đổi mới; việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99,7%.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số CCHC năm 2023 (PAR INDEX 2023) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tham luận về “Đánh giá một số kết quả và bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội tiếp tục xác định cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Thủ đô. Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát, cải cách TTHC, chuyển đổi số; ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường, tư pháp và thuế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải. (Ảnh: VGP/Minh Anh)

Thành phố đã ban hành 15 Quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211 TTHC; quyết định ủy quyền giải quyết 578 TTHC; tích hợp 781 dịch vụ công trực tuyến một phần, 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện; thực hiện số hóa toàn trình 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa từ ngày đầu tiên của năm 2024…

“Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được Thành phố chỉ đạo đổi mới theo hướng điện tử thống nhất trên toàn Thành phố với 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99,7%”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.

Thành phố cũng đã cấp kết quả giải quyết TTHC bản điện tử, tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa gần 214.000 hồ sơ, cấp trên 46.500 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân.

Đồng thời, áp dụng rộng rãi thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC; thành lập và vận hành chính thức kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo (từ tháng 2/2022). Trong năm 2023 và quý I/2024, Thành phố đã tiếp nhận trên 6.500 phản ánh, kiến nghị, đã xử lý xong 6.506 phản ánh, kiến nghị, đạt tỷ lệ 99.81%.

Tính đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 31 Quyết định, công bố 209 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố. Các sở, ban, ngành đã phê duyệt 450 quy trình; cấp huyện ban hành gần 1.800 quy trình; cấp xã ban hành gần 3.000 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài TTHC) và 128 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã và cấp huyện.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Đống Đa.

Thực hiện chuyển đổi số trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, Thành phố đã thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 33 phòng khám đa khoa, 295 trạm y tế để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VneID; thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe (Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ) và tổ chức nhân rộng thử nghiệm tại 7 điểm trên địa bàn Thành phố...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cũng cho hay, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến. Dự kiến, ngân sách không thu khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện và thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025.

Bên cạnh đó, Thành phố đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc gần 1.200 TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Người dân bước đầu được thụ hưởng nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử (như khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, thông báo lưu trú bằng VNeID, sổ sức khỏe điện tử...).

Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên Hệ thống văn phòng điện tử dùng chung, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Hệ thống thông tin báo cáo, với trên 13.000 chữ ký số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố; hơn 41 nghìn chữ ký số miễn phí đã được các doanh nghiệp cấp cho công dân Hà Nội để thực hiện TTHC, giao dịch điện tử.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố thực hiện chuyển đổi số theo hướng thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-dung-han-va-truoc-han-dat-997-169338.html