Hà Nội dự báo số lượng học sinh đi kèm với xây mới trường lớp
Ngày 11/7, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giải đáp thông tin về tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 'thấp kỷ lục' và bài toán thiếu trường lớp trong thời gian tới.
Có dự báo số lượng học sinh từng năm học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa phê duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 30 trường công lập. Ngày 11/7, học sinh trúng tuyển bổ sung làm thủ tục nhập học tại các trường trung học phổ thông năm học 2023 - 2024 trên địa bàn Hà Nội.
Theo thống kê, dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập là 78.623 học sinh, chiếm 60,9%, tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023. Tỷ lệ này cao hơn so với dự kiến đã công bố hồi tháng 3/2023 (55,7%).
Thực tế cho thấy, tỷ lệ học sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường công lập rất cao; ở một vài trường tư thục và công lập tự chủ có chất lượng xảy ra hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng để được nộp hồ sơ…
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có những dự báo số lượng học sinh đi kèm với việc xây dựng trường lớp. Dự báo trong 3 năm tới, số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn tốt nghiệp THPT tăng khoảng 29 nghìn học sinh, tương đương khoảng 722 lớp. Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là căn cứ quan trọng để Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tham mưu lãnh đạo thành phố ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường ở cấp THPT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập.
Về số lượng học sinh vào cấp THPT năm học 2023 - 2024: Năm học 2024 - 2025, dự kiến có 134.942 học sinh, tăng 5.732 em. Năm học 2025 - 2026, dự kiến có 129.890 học sinh, tăng 680 em. Năm học 2026 - 2027, dự kiến có 151.710 học sinh, tăng 22.500 em.
Về quy mô các trường THPT công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và THPT công lập hiệp quản): Đến năm học 2024 - 2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 121 trường, tăng hai trường so với năm học 2023 - 2024; Đến năm học 2025 - 2026, có khoảng 123 trường, tăng 4 trường so với năm học 2023 - 2024; Đến năm học 2026 - 2027 có khoảng 125 trường, tăng 6 trường so với năm học 2023 - 2024.
Đốc thúc việc thành lập mới trường học
Liên quan đến việc Hà Nội khẳng định không thiếu chỗ học trong khi phụ huynh vẫn phải xếp hàng xuyên đêm, ông Trần Thế Cương cho biết, thành phố đang thừa thiếu trường học cục bộ: Thừa trường học ở ngoại thành và thiếu trường học ở nội thành. Đơn cử như các quận: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm.
Để giải quyết bài toán này, Hà Nội đã có kế hoạch xây mới, thành lập mới trường học giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, năm 2021 - 2025, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em sau khi hoàn thành chương trình THCS gồm: Trường THPT Minh Hà (Thạch Thất), Trường THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng), Trường THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy), Trường THPT Việt Hưng (quận Long Biên), Trường THPT Uy Nỗ, Trường THPT Nguyên Khê và Trường THPT Việt Hùng (huyện Đông Anh).
Bên cạnh đó, tại những quận quá tải học sinh, Hà Nội đề xuất tăng số học sinh/lớp ở một số trường mới xây, phòng học rất rộng.
Giai đoạn từ nay tới năm 2025, thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025... UBND thành phố cũng đã có Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp thành phố có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.
Sở GD&ĐT Hà Nội tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học và trong các khu đô thị; tham mưu thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.