Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 2: Cởi 'vòng kim cô', thần tốc xây trường học
'Thực hiện phân cấp, ủy quyền khối lượng công việc tại cấp huyện tuy nhiều hơn nhưng quy trình thủ tục hành chính được thông suốt. Nhờ đó, tiến độ triển khai các dự án xây dựng trường học rất nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương, góp phần giảm tình trạng thiếu trường lớp tại Hà Nội', Bí thư Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội) Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
Giải cơn “khát” trường học ở phường đông dân nhất Thủ đô
Đứng trước công trình trường học đang thi công trên đường Trần Thủ Độ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Dũng (khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt), đăm chiêu suy nghĩ. Anh gặp một công nhân trên công trường trò chuyện, hỏi thăm về tiến độ dự án. Sau khoảng 15 phút trò chuyện, anh Dũng tỏ ra phấn khởi hơn.
Anh Dũng cho biết, ô đất đang xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt từ hàng chục năm qua vốn bỏ hoang, cỏ dại mọc quá đầu người. Thế nhưng, cách đây vài tháng, một công trình khởi công trên ô đất này. Qua tìm hiểu, anh được biết quận Hoàng Mai triển khai xây dựng một trường THPT. Anh rất phấn khởi, bởi năm sau con thứ hai của anh sẽ lên lớp 10. Anh tâm sự, có trường mới, cháu sẽ được học gần nhà, thay vì phải di chuyển sang tận quận Thanh Xuân như con đầu của anh.
"Tôi được biết, với tiến độ như hiện nay dự án sẽ hoàn thành đúng, thậm chí vượt tiến độ. Vì thế, tôi sẽ hướng con thi vào Trường THPT Hoàng Liệt cho gần nhà", anh Dũng chia sẻ.
Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là phường đông dân nhất Thủ đô với gần 8 vạn dân. Trong đó, hơn một nửa là tập trung tại Khu đô thị Linh Đàm. Đây cũng là khu đô thị có số dân đông nhất cả nước với gần 5 vạn dân. Cũng vì thế, nơi đây luôn trong tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, nhất là bãi đỗ xe và trường học.
Tháng 8/2022, cả nước xôn xao trước thông tin phụ huynh học sinh tại khu đô thị Linh Đàm phải bốc thăm cho con để được học trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt. Lãnh đạo nhà trường thừa nhận, hình thức bốc thăm được lựa chọn do nhà trường “không còn cách nào khác”, khi số hồ sơ nhận được gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh.
"Tăng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, các cơ quan chuyên môn của thành phố, đồng thời đảm bảo tính ổn định của hệ thống. Việc vận hành hệ thống sau phân cấp phải thông suốt, không gián đoạn. Quá trình phân cấp, Hà Nội đặc biệt tính toán kỹ các tác động đến người dân, những việc gì có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.
Phòng GD&ĐT Hoàng Mai cũng thừa nhận, vấn đề thiếu lớp dẫn đến sĩ số học sinh vượt chuẩn hầu như năm nào cũng có tại Hoàng Mai. Từ đó, vấn đề phải “cấp tốc” giải quyết tình trạng thiếu trường học tại Hoàng Mai được chính quyền đặc biệt quan tâm đầu tư.
Với sự quan tâm, đầu tư của quận Hoàng Mai, đến nay, vấn đề thiếu trường học đã dần được giải quyết, đặc biệt là tại phường Hoàng Liệt. Ông Đặng Trường Giang, cán bộ phụ trách đô thị phường Hoàng Liệt cho biết, trong 2 năm gần đây, trên địa bàn phường có 4 trường học đã hoàn thành đi vào hoạt động và 3 trường đang xây mới. Sắp tới, một trường học nữa sẽ được khởi công xây dựng trên địa bàn phường, đồng thời 2 ô đất quy hoạch trường học cũng đang tiến hành thủ tục đầu tư.
Trong số các trường học được xây mới tại quận Hoàng Mai, có 2 Trường THPT được thành phố ủy quyền bố trí kinh phí xây dựng. Đó là dự án xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH3 và dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trường THPT Việt Nam - Ba Lan.
Dự án xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi ô đất trường học này đã hơn 20 năm bỏ hoang. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng tổ Thanh tra Xây dựng phường Hoàng Liệt cho biết, Trường THPT Hoàng Liệt được xây dựng với diện tích 9.400m2. Dự án gồm 1 tầng hầm và 5 tầng nổi, với tổng mức đầu tư là 332,3 tỷ đồng.
Theo ông Hà, ô đất được quy hoạch trường học, trước đây do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Thế nhưng, hơn 20 năm qua, chủ đầu tư không triển khai dự án, để cỏ dại mọc hoặc chỉ tận dụng làm bãi trông xe, bãi để vật liệu, trồng rau... dù UBND phường đã nhiều lần kiến nghị. Nguyên nhân khiến chủ đầu tư không triển khai dự án là do khó khăn về kinh tế, không bố trí được nguồn vốn cũng như thay đổi về chính sách. Vì thế, đến năm 2023, HUD đã bàn giao 19 ô đất được quy hoạch là cây xanh, trường học, đất công cộng trên địa bàn quận Hoàng cho UBND quận Hoàng Mai.
Ngay sau khi nhận bàn giao, tại kỳ họp thứ 9, được tổ chức tháng 9/2023, HĐND quận Hoàng Mai đã thông qua đề xuất xây dựng 4 dự án xây dựng trường học mới trên cơ sở các ô đất quy hoạch trường học của HUD bàn giao.
Về dự án này, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Ban Quản lý dự án) cho biết, sau khi tiếp nhận ô đất và được HĐND quận thông qua chủ trương, Ban Quản lý dự án tiến hành lập đề án, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Đơn vị thi công đã tiến hành khởi công vào tháng 4/2024, dự kiến hoàn thành 8/2025. Như vậy, mọi thủ tục đầu tư cho đến khi khởi công dự án chỉ vài tháng.
Về tiến độ dự án, đến đầu tháng 12/2024, các hạng mục tại dự án đã được triển khai đồng bộ. Nhà thầu thi công đã đổ trần tầng 3 của cả 3 khối nhà; đồng thời, tiếp tục triển khai các hạng mục khác.
Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trường THPT Việt Nam - Ba Lan với tổng vốn đầu tư 370,864 tỷ đồng cũng đang được tích cực triển khai. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt toàn bộ thiết bị công trình có giá 204,126 tỷ đồng. Dự án xây dựng trên khu đất rộng 29.624m2, gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, bao gồm các hạng mục: xây dựng mới 3 khối nhà lớp học 4 tầng, nâng cấp mới khối nhà hiệu bộ 5 tầng và nhà thể chất, bổ sung thiết bị các phòng học bộ môn...
Theo Ban Quản lý dự án, sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư, mời thầu, cuối tháng 7/2024, chủ đầu tư đã mở thầu. Ngày 6/9, chủ đầu tư tiến hành khởi công dự án, dự kiến hoàn thành vào ngày 20/11/2025. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị thi công đã huy động nhiều máy móc, nhân lực để phá dỡ một số công trình cũ, tạo mặt bằng triển khai dự án.
Ông Vũ Thế Khoản, Phó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, việc triển khai đề án phân cấp ủy quyền trong thời gian vừa qua đã tạo tính chủ động cho quận trong việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ, rút gọn các dự án được triển khai đầu tư xây dựng rất nhanh, từng bước giải quyết vấn đề thiếu trường học.
Trường xây nhanh vì huyện "quyết" từ A-Z
Trường THPT Dương Xá (huyện Gia Lâm) là một trong những trường THPT được thành phố ủy quyền bố trí kinh phí xây mới. Hiện, trường có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Đây là điều người dân địa phương ít nghĩ tới, bởi mới chỉ năm học trước, ngôi trường này còn trong tình trạng xuống cấp.
"Thực hiện phân cấp, ủy quyền khối lượng công việc tại cấp huyện tuy nhiều hơn nhưng quy trình thủ tục hành chính được thông suốt. Nhờ đó, tiến độ triển khai các dự án xây dựng trường học rất nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương, góp phần giảm tình trạng thiếu trường lớp tại Hà Nội" - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội) Nguyễn Việt Hà.
UBND huyện Gia Lâm cho biết, trước tình trạng xuống cấp, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu dạy và học, tháng 4/2023 UBND huyện đã phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Trường THPT Dương Xá với kinh phí 105 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như xây mới khối nhà học, khối nhà hiệu bộ cao 4 tầng; cải tạo, sửa chữa khối nhà học hiện có bảo đảm quy mô 30 phòng học, các phòng bộ môn, phòng chức năng, xây mới, kết hợp với cải tạo, sửa chữa nhà thể chất…Dự án được khởi công tháng 1/2024, hoàn thành bàn giao tháng 8/2024.
Ông Nguyễn Văn Tăng, người dân sống bên cạnh Trường THPT Dương Xá cho biết, trong thời gian triển khai dự án đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân lực làm việc khẩn trương. Họ làm cả ngày nghỉ, làm ca đêm. “Có hôm, đến gần 1h sáng, tôi vẫn thấy công nhân thi công các hạng mục xây dựng”, ông Tăng chia sẻ.
Công trình hoàn thiện, đi vào hoạt động đáp ứng cho 42 lớp học của 3 khối lớp 10, 11, 12 với hơn 1.900 học sinh và gần 100 cán bộ, giáo viên nhà trường. Khi nói đến cơ sở vật chất của trường, em Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 10 Trường THPT Dương Xá thốt lên “tuyệt vời lắm ạ”. Linh cho biết, trong lớp học có nhiều thiết bị dạy và học hiện đại, như tivi, máy chiếu, máy lạnh, bảng kéo… phù hợp với việc dạy và học.
Ông Nguyễn Việt Hà - Bí thư Huyện ủy huyện Gia Lâm cho biết, việc phân cấp ủy quyền đã giúp đẩy nhanh các dự án, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong huyện. Đến nay, đã có 4 trường THPT trên địa bàn huyện được thành phố ủy quyền đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, bao gồm Trường THPT Yên Xá, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Cao Bá Quát và THPT Yên Viên.
Giải "nút thắt" thủ tục hành chính
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 2,3 triệu học sinh với khoảng 2.900 trường học. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh nên cần xây mới từ 30-40 trường học. Tuy nhiên, hầu hết các quận nội đô không xây dựng trường học kịp với tốc độ gia tăng dân số.
Tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập trên địa bàn thành phố, đại biểu Nguyễn Khánh Hưng (Tổ đại biểu huyện Ba Vì) cho biết, theo quy định, cứ 3-5 vạn dân thì cần bố trí một trường THPT. Tại quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân thì cần 6 - 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường. Tại quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân thì cần 4-7 trường THPT nhưng hiện tại chỉ có 2 trường. Còn theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến cuối năm 2023, tại 8 quận nội đô gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai thiếu tới 49 trường công lập.
Một trong những nguyên nhân khiến dẫn đến thiếu trường lớp là do các thủ tục hành chính (TTHC) quá nhiều, khiến nhà đầu tư “nản”. Thậm chí, có nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền nhưng một huyện trình hồ sơ làm thủ tục mà 3 năm các cơ quan thành phố vẫn “đẩy đi đẩy lại” khiến nhà đầu tư phải “rút”.
Nhìn rõ "nút thắt" này, ngày 12/9/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 21 về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố và Nghị quyết số 23 về thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố.
Thực hiện các nghị quyết trên, UBND thành phố đã ban hành các quyết định về phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực và TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố. Bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan nhiều đến dân sinh, như phân cấp cho cấp huyện đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường THPT; đầu tư xây dựng chợ hạng 1; quản lý di tích; bến, bãi đỗ xe...
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tận dụng quỹ đất có thể để xây mới, mở rộng hệ thống trường lớp. Đồng thời, ủy quyền cho UBND các quận, huyện giải quyết các TTHC. UBND các quận, huyện, thị xã đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung các đơn nguyên phòng học, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư. Nhờ đó, hệ thống các trường công lập tại Hà Nội vừa tăng về số lượng, lại đảm bảo hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập.
Tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP. Hà Nội được tổ chức tháng 10/2023, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, thực hiện việc phân cấp ủy quyền, thời gian qua, quận Hoàng Mai đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học.
Đồng thời, quận chủ động báo cáo với thành phố phân cấp cho quận để điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn hàng chục trường học đã được đầu tư xây mới hoặc cải tạo nâng cấp.
Ông Tâm cũng đề nghị khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.
Cũng tại phiên giải trình, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND thành phố rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong đó ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập. Đồng thời, rà soát, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng các trường học.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội xác định việc phân cấp, ủy quyền phải đảm bảo 2 yếu tố: Tăng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, các cơ quan chuyên môn của thành phố, đồng thời đảm bảo tính ổn định của hệ thống. Việc vận hành hệ thống sau phân cấp phải thông suốt, không gián đoạn. Quá trình phân cấp, Hà Nội đặc biệt tính toán kỹ các tác động đến người dân, những việc gì có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 quy định chi tiết phân cấp trong 15 lĩnh vực như tài nguyên môi trường, đô thị, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, đầu tư xây dựng…, giải quyết nhiều vấn đề dân sinh thiết thực.